Site banner
Thứ hai, 29. Tháng 4 2024 - 23:19

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Tuyên truyền hội viên nông dân phòng, chống hạn mặn

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024, có khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ nửa cuối tháng 11/2023,  xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024. Xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 sẽ diễn biến cực đoan, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm; nắng hạn có thể sẽ kéo dài, dẫn đến thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Từ tháng 12/2023 xâm nhập mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào các cửa sông chính.

* Trong tháng 12/2023 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 07-12/12; Đợt 02: từ ngày 21-26/12.

* Trong tháng 1/2024 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 05 -12/01; Đợt 02: từ ngày 20-27/01.

* Trong tháng 02/2024 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 03 -10/02; Đợt 02: từ ngày 19-27/02.

* Trong tháng 03/2024 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 05 -13/03; Đợt 02: từ ngày 23-31/03.

* Trong tháng 04/2024 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 05 -12/04; Đợt 02: từ ngày 25/04-01/05.

* Trong tháng 05/2024 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 06 -12/05; Đợt 02: từ ngày 19-25/05.

* Trong tháng 06/2024 xuất hiện 02 đợt xâm nhập mặn: Đợt 01: từ ngày 31/05 -06/06; Đợt 02: từ ngày 13-20/06.

Hội Nông dân tỉnh tích cực vận động các nguồn lực đóng góp công tác phòng, chống hạn mặn

Để góp phần phòng, chống hạn mặn với tinh thần sẵn sàng và chủ động ứng phó, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do hạn mặn gây ra cho ngành nông nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân. Hội Nông dân tỉnh Bến Tre yêu cầu nhân dân, trước hết là các cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống, ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024  cụ thể như sau:

- Thực hiện tốt phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt” của Tỉnh ủy Bến Tre, mỗi hộ gia đình cần chủ động, khẩn trương trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; tận dụng các dụng cụ sẵn có và các dụng cụ đã được hỗ trợ; các ao hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trải bạt, đắp các công trình đập tạm để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên; đắp đập tạm cục bộ ngăn mặn.

- Bên cạnh việc trữ nước ngọt, người dân cần sử dụng nước một cách tiết kiệm, cần tập trung dọn vệ sinh kênh mương, khai thông dòng chảy; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước trong các sông, kênh rạch đến từng xóm, ấp, chi tổ Hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác của từng xã, thị trấn.

- Người dân cần chủ động, Thường xuyên cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thiên tai, xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước, số liệu đo độ mặn hằng ngày, hằng tuần qua các kênh thông tin như: điểm phát thanh, báo, đài truyền hình, Chương trình Đồng hành cùng nhà nông, các trang Web, mạng xã hội: Trang FACEBOOK: Thông tin Phòng chống thiên tai tỉnh Bến Tre; Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre (https://bentre.gov.vn/); Trang web Sở Nông nghiệp và PTNT (https://snnptnt.bentre.gov.vn/);

Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp vào tháng cuối năm và còn biến động trong thời gian tới. Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khuyến cáo các biện pháp phòng tránh hạn mặn để giảm thiểu thiệt hại cho người dân như sau:

  1. Lĩnh vực trồng trọt:

Cần kiểm tra độ mặn nước trước khi tưới; trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt. Tận dụng tất cả các vật liệu tủ gốc trong vườn có thể (lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…) để hạn chế bốc thoát hơi nước, kết hợp chủ động tạo bóng che tạm thời cho cây trồng. Mạnh dạn tỉa bớt hoặc toàn bộ số trái trên cây tùy theo mức độ để đảm bảo sự sinh trưởng của cây.

* Đối với cây ăn trái

Củng cố hệ thống đê bao và bờ quanh vườn, tăng cường dự trữ nước, Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Chủ động chuyển mùa vụ ra hoa, nuôi trái tránh thời điểm mặn xâm nhập. Không trồng mới trong thời gian hạn, mặn nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. Tuyệt đối không tưới nước mặn cho cây; tùy theo khả năng chịu mặn của các loại cây ăn trái mà có cách sử dụng nước tưới hợp lý ( nhóm cây chịu mặn kém: Sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mít, măng cụt, cam, quýt, chanh, vú sữa...; nhóm cây chịu mặn trung bình: Xoài, Mãng cầu xiêm, dừa (cây lấy dầu),..); tưới bằng nước ngọt ngay khi có thể và giãn cách các đợt tưới trong mùa khô. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn.

* Đối với cây lúa

Người dân xuống giống đúng lịch thời vụ đã được khuyến cáo, phù hợp tình hình nguồn nước, khuyến cáo không xuống giống Thu Đông trễ hoặc sản xuất vụ 3 trong điều kiện dự báo xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm như mùa khô 2023 - 2024; Đối với ruộng bị ngập mặn, khi có nguồn nước ngọt thì tăng cường rửa mặn để chuẩn bị cho vụ Hè Thu 2024.

* Cây giống, hoa kiểng

Tuyệt đối không lấy nước bị nhiễm mặn để tưới cho các loại cây trồng này. Tăng cường trữ nước ngọt để tưới cho cây giống, hoa kiểng; sử dụng vật liệu (lưới) để che bớt nắng nhằm hạn chế khả năng bốc thoát hơi nước, giúp cây giữ ẩm; thực hiện tưới tiết kiệm nước và thường xuyên kiểm tra xử lý kịp thời các đối tượng gây hại trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn.

2. Lĩnh vực chăn nuôi:

 Dự trữ nước dùng cho vật nuôi, hoạt động chăn nuôi; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Chú trọng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bằng các giải pháp phù hợp như: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; không vứt xác vật nuôi, các chất thải trong chăn nuôi xuống ao, hồ, kênh rạch, các nơi công cộng. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, tình trạng sức khỏe, mức độ ăn uống của vật nuôi để phát hiện và có biệp pháp hỗ trợ chăm sóc vật nuôi trong những thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt. Một số bệnh có thể phát sinh ở vật nuôi như: bệnh dịch tả cổ điển, bệnh dịch tả heo châu phi, bệnh Lở mồm long móng ở heo, bò; bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò; bệnh Cúm gia cầm. Đặc biệt, đối với thời gian nắng nóng, nên chú ý quan tâm đối với bệnh dại ở các loài động vật có vú như chó, mèo, chồn, cáo… Trong đó, chó là loài vật có tỷ lệ mắc bệnh dại cao nhất.

Phát huy tinh thần Đồng Khởi năm xưa, hội viên nông dân của tỉnh Bến Tre hôm nay cùng nhau “chung sức, đồng lòng”, chủ động phòng, chống hạn mặn bằng cách cùng nhau trữ nước mưa, nước ngọt, chăm sóc cây trồng vật nuôi, ổn định sản xuất; hạn chế đến mức thấp nhất do tác động của hạn mặn gây ra, để “Hạn mặn không còn là nỗi lo của người dân”.

                                                                   

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh