Site banner
Thứ hai, 29. Tháng 4 2024 - 20:51

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Phòng, chống hạn mặn - Chung tay của các cấp hội

Những năm gần đây, vấn đề xâm nhập mặn ở nước ta nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là vấn đề ngày càng trở nên phổ biến và mang tính cấp bách. Các đợt hạn mặn năm 2015-2016; năm 2019 -2020 được đánh giá là những đợt hạn mặn kỷ lục, sớm hơn 3 tháng so với trung bình các năm. Xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, thiếu nước ngọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh trong thời gian dài, có thời điểm trên 5‰. Xâm nhập mặn đã gây thiệt hại rất lớn và tác động hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh Bến Tre. Có 5.400 ha lúa vụ Đông Xuân (vụ 3) bị chết; gần 28.000 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỉ đồng; trong đó, lĩnh vực trồng trọt khoảng 1.448 tỷ đồng và lĩnh vực thủy sản hơn 211 tỷ đồng. Ngoài ra, xâm nhập mặn cũng khiến cho tình trạng cấp nước bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống và sản xuất của người dân.

Mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Như vậy, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 sẽ diễn biến cực đoan, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm; nắng hạn có thể sẽ kéo dài, lượng mưa thấp, dẫn đến thiếu nước, xâm nhậpmặn sâu vào nội đồng, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạtcủa người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đại biểu tham dự chương trình phát động phòng, chống ứng phó hạn mặn vào mùa khô năm 2023-2024

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống hạn mặn nhữg năm qua, đồng thời cần có sự chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, xâm nhập mặnmùa khô năm 2023 – 2024, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh phát động các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

(1) Hội viên, nông dân phát huy tính chủ động, vận động mỗi hộ gia đình trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; tận dụng các dụng cụsẵn có và các dụng cụ đã được hỗ trợ; các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước, trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trải bạt, đắp các công trình đập tạm để trữnước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên; đắp đập tạm cục bộ ngăn mặn. Học tập, nhân rộng các mô hình, giải pháp hay về trữ nước ngọt có hiệuquả; sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước trong các sông, kênh rạch đến từng xóm, ấp, chi tổ Hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác của từng xã, thị trấn.

(2) Các cấp Hội chủ động, thường xuyên cập nhật thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn về tình hình nguồn nước, độ mặn hàng ngày đến với người dân. Khuyến cáo hội viên, nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợpvới khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; thay đổi lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương để tiết kiệm nước; khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để hội viên, nông dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp. Vận động, tuyên truyền, giải thích, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại. Đối với vật nuôi cần có biện pháp vệ sinh tiêu độc chuồng trại, kiểm soát nguồn nước uống để phòng ngừa dịch bệnh.

(3) Mỗi cơ sở Hội thành lập các đội, nhóm tình nguyện viên vận động cán bộ, hội viên và nông dân chia sẻ nguồn nước ngọt hiện có cho những người dân đang khó khăn về nước ngọt; kịp thời hỗ trợ những hộ hội viên, nông dân gặp khó khăn trong, trước và sau hạn mặn.

(4) Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tăng cường vận động các mạnh thường quân tài trợ nước ngọt, máy lọc nước, túi chứa,thùng chứa, thùng vận chuyển, phương tiện vận chuyển…để cung cấp nước ngọt cho người dân. Phối hợp với các ngân hàng có những nguồn vốn ưu đãi với lãi xuất thấp cho hội viên, nông dân vai đầu tư xây dựng các công trình, phần việc phòng chống hạn,mặn.

(5) Các cấp Hội phối hợp với chính quyền các cấp chủ động phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện hướng dẫn, tuyên truyền biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn để người dân biết và thực hiện; thành lập các nhóm Zalo, facebook… kịp thời thông tin rộng rãi nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo, các văn bản chỉ đạo củacác cấp đến với người dân. Thông tin kịp thời những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng cho người dân thực hiện tránh những thiệt hại không đáng có.

(6) Đối với Hội viên nông dân cần chủ động thực hiện các phần việc của hội viên, hộ gia đình trong điều kiện sẵn có để thực hiện các phần việc, công trình phòng, chống hạn mặn tại địa phương. Chủ động trang bị kiến thức cho bản thân về xử lý cây trồng, vật nuôi trước, trong và sau hạn mặn qua nhiều kênh thông tin như: truyền thanh, truyền hình, zalo, facebook…và thông qua các lớp tập huấn được các cấp Hội tổ chức.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh