Site banner
Thứ hai, 29. Tháng 4 2024 - 10:55

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Hội Nông dân tỉnh tổng kết dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa

Ngày 13-3-2021, tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa thích ứng biến đổi khí hậu năm 2020. Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Dương Thuấn – Phó Chủ tịch Hôi Nông dân tỉnh, ông Châu Hữu Trị - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đại diện lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật Công ty Lavi Food, Công ty Bồ Đền và đông đảo hội viên nông dân xã An Điền đến dự.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị

Trong thời gian qua, tình hình hạn mặn và biến đổi khí hậu có những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của bà con nông dân. Dự báo trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến nông nghiệp nước ta, xu hướng diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm do đất làm nông nghiệp bị nước biển xâm lấn, không còn thích hợp với việc trồng trọt.

Trước tình hình đó, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đề xuất dự án: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa  tại xã An Điền 

Mô hình được triển khai thực hiện tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, có 17 hộ tham gia nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa với tổng diện tích 15 ha.  Mật độ thả nuôi: 3 con/m2. Thời gian nuôi 6 tháng, từ tháng 7 đến tháng 12-2020. Đây là mô hình được thí điểm đầu tiên, các hộ tham gia được Công ty Lavi Food hỗ trợ 450.000 con tôm giống, 4.212 kg thức ăn cho tôm, 11 triệu đồng mua giống lúa và Công ty Bồ Đề hỗ trợ sản phẩm xử lý ao nuôi. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện mô hình, Công ty Lavi Food tổ chức 02 cuộc tập huấn giúp cho nông dân nắm rõ đặc điểm sinh học tôm càng xanh và giống lúa thực hiện mô hình; lợi ích của hình thức xen canh tôm càng xanh-lúa; kỹ thuật chuẩn bị ao-ruộng; nhất là kỹ thuật nuôi tôm và cách xử lý một số bệnh cho tôm khỏe mạnh, sinh trưởng tốt.

Qua 6 tháng thực hiện, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận bình quân đạt trên 55 triệu đồng/ha, giá trị tăng thêm khoảng 35% so với những hộ không tham gia dự án.

Với kết quả như trên thì mô hình đạt hiệu quả cao, cần được tiếp tục nhân rộng thực hiện trong thời gian tới. Không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế, việc áp dụng mô hình tôm – lúa sẽ làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, định hướng đến sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, ngoài ra với việc xen canh tạo sự hài hòa trong môi trường sống giữa con tôm và cây lúa làm giảm bớt dịch bệnh tận dụng không gian, tận dụng thức ăn dư thừa bổ sung cho nhau. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu” là giải pháp hữu hiệu để nông dân phát triển kinh tế./.

 

 

Ban Xây dựng Hội