Site banner
Chủ nhật, 28. Tháng 4 2024 - 11:31

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Bình Đại triển khai các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen

Từ tháng 7/2020 đến đến nay, trên địa bàn huyện Bình Đại đã phát hiện nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại với tổng diện tích đã lên đến 45 ha tại các xã Phú Long và Định Trung đã ảnh hưởng lớn đến năng xuất, chất lượng của các vườn dừa trên địa bàn.

Đây là loài sâu lạ, mới xâm nhập vào địa bàn huyện Bình Đại nên các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các biện pháp quản lý, phòng trừ loài sâu này. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, các ngành chức năng tỉnh đã tìm hiểu được nguồn gốc, hình thái, triệu chứng gây hại của sâu đầu đen; trên cơ sở đó các ngành chức năng tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể tỉnh, huyện triển khai các giải pháp quản lý sâu đầu đen giúp nông dân phòng trừ hiệu quả hơn.

Bình Đại là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện sâu đầu đen, vì vậy việc triển khai các giải pháp quản lý sâu đầu đen là hết sức cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở đó Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẻ cùng các ngành chức năng huyện tranh thủ với các ngành chức năng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trực tiếp khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen như: Về giải pháp canh tác thì tuyên truyền nông dân thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen; khi phát hiện dừa bị sâu đầu đen tấn công thì thực hiện cắt tỉa các tàu lá hoặc chét cây dừa và cây ký chủ phụ (cau, cọ, chuối) bị sâu gây hại và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn với môi trường và cần thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá dừa già bên dưới. Bên cạnh đó còn tuyên truyền vận động nông dân thực hiện bón phân cân đối và chia làm nhiều đợt; không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ (cau, chuối…) và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.

Tập huấn các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen

Về giải pháp hóa học thì tuyên truyền nông dân khi phát hiện sâu đầu đen gây hại, nếu vườn dừa bị gây hại nặng cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm làm giảm mật độ sâu hại, tăng khả năng thuốc tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả của thuốc. Trong quá trình thực hiện giải pháp phun thuốc hóa học tùy theo từng loại vườn dừa (vườn dừa hữu cơ và vườn dừa thông thường), vườn dừa có nuôi xen tôm, cá…thì thực hiện các loại thuốc khác nhau đảm bảo không gây hại cho các loại vật nuôi khác.

Về giải pháp sinh học thì tuyên truyền nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của ngành chức năng; hạn chế sử dụng thuốc có độ độc cao, thuốc phổ rộng và pha trộn nhiều hoạt chất thuốc; không săn bắt các loài động vật hoang dã là thiên địch của sâu đầu đen (các loài chim, bò sát…); tạo điều kiện cho các loài thiên địch sinh sống trong vườn dừa như kiến vàng, bọ đuôi kim, bọ xít bắt mồi, ông ký sinh…)

Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp mở lớp tập huấn quản lý sâu đầu đen cho các đối tượng là lãnh đạo UBND xã, cán bộ phụ trách kinh tế kế hoạch xã, đại diện các đoàn thể xã và 10 hộ dân/01 xã để triển khai, hướng dẫn các giải pháp quản lý sâu đầu đen trên địa bàn toàn huyện; Hội Nông dân cơ sở cũng đã phối hợp tổ chức 06 lớp tập huấn cho nông dân về cách nhận dạng, phát hiện và phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Hội Nông dân huyện đã có văn bản chỉ đạo cơ sở Hội tập trung quyết liệt các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân quan tâm theo dõi và thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

Đồng thời huyện Bình Đại cũng đã được công ty Betrimex hỗ trợ phun thuốc sinh học phòng trừ sâu đầu đen tại các vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại. Trong quá trình thực hiện, các hộ nông dân đã đồng tình hưởng ứng và phối hợp chặt chẻ cùng các cơ quan chức năng, thực hiện đúng các quy trình theo hướng dẫn đã góp phần ngăn chặn tạm thời sâu đầu đen gây hại, không để lây lan ra diện rộng.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo cơ sở Hội tập trung tuyên truyền trong hội viên và nhân dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện các vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại và thông tin với ngành chức năng để có những giải pháp đồng bộ trong công tác phòng ngừa; tuyên truyền vận động hội viên và nông dân không hoang mang và không nên thực hiện việc phun thuốc ngừa tại các vườn dừa chưa bị sâu đầu đen gây hại theo khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh, huyện mà chỉ phun thuốc khi đã phát hiện sâu đầu đen gây hại để tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Tin rằng với sự phối hợp chặt chẻ và đồng bộ giữa Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở với các ngành chức năng huyện, cùng với sự phối hợp, tích cực hưởng ứng thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý, phòng ngừa sâu đầu đen hại dừa; huyện Bình Đại sẽ kiểm soát tốt công tác quản lý và phòng ngừa sâu đầu đen./.

 

Minh Hảo - HND Bình Đại