Site banner
Thứ hai, 29. Tháng 4 2024 - 5:29

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Phát động các cấp Hội triển khai thành lập mới 1.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong năm 2020

Nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước và Đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phát động thực hiện phong trào thi đua cao điểm chào mừng Đại hội thi đua yêu nước và Đại hội Đảng các cấp năm 2020 trên địa bàn tỉnh phấn đấu đến tháng 8 năm 2020 các cấp Hội thành lập mới 1.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Đối tượng tham gia tổ Hội Nông dân nghề nghiệp: Là những hội viên, nông dân cư trú cùng một khu vực, địa bàn dân cư, cùng sản xuất một loại giống, cây, con hay cùng kinh doanh, cùng làm dịch vụ một nhóm ngành, nghề, lĩnh vực, có những điểm chung về sử dụng tư liệu sản xuất, công cụ lao động, về phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, về thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản hàng hóa hoặc những hội viên có nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ….

Quy mô và hình thức tổ chức tổ Hội Nông dân nghề nghiệp: Số lượng một “Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp” nên khoảng từ 10 - 30 hội viên (có tổ trưởng, tổ phó), khi mới thành lập có thể từ 03 hội viên trở lên. Đặc biệt, ở những xã, phường, thị trấn, hội viên, nông dân có chung một phương thức sản xuất, đối tượng lao động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhưng ở rãi rác trên toàn địa bàn, không nằm trong chi Hội Nông dân nào thì có thể nghiên cứu thành lập một số tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trực thuộc Hội Nông dân cơ sở. Nếu do tình hình thực tế, hội viên nông dân phải thay đổi nghề, thay đổi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì cơ sở Hội và chi Hội Nông dân hướng dẫn hội viên chuyển sang sinh hoạt tại các tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp.

Các bước tiến hành thành lập tổ Hội Nông dân nghề nghiệp:

- Bước 1: Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu tham gia các tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoặc của hội viên, nông dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

- Bước 2: Họp thảo luận, bàn bạc, thống nhất chủ trương và báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp về việc thành lập các tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

- Bước 3: Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia các tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

- Bước 4: Khi đã hội đủ điều kiện để thành lập tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở ra quyết định thành lập, chỉ định hoặc hướng dẫn bầu tổ trưởng, tổ phó.

- Bước 5: Tổ chức ra mắt tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, xây dựng quy chế và triển khai hoạt động.

Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch TW Hội phát biểu tại buổi khảo sát kết quả

thực hiện Đề án 24 tại Hội Nông dân tỉnh

Thời gian sinh hoạt:

Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thực hiện sinh hoạt đảm bảo ít nhất 1 lần/ 1 tháng. Hội viên tham gia các tổ Hội Nông dân nghề nghiệp này nếu đang sinh hoạt ở những chi Hội Nông dân khác nhau thì sau khi tham gia sinh hoạt ở tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sẽ không nhất thiết phải tham gia sinh hoạt tại chi Hội Nông dân nữa. Tuy nhiên có những nội dung cần họp toàn thể để xin ý kiến tất cả hội viên trong chi Hội Nông dân, thì các hội viên vẫn phải tham gia đầy đủ.

Nội dung, hình thức sinh hoạt, hoạt động của tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tập trung vào việc trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây con, về phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo các nội dung sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Hội để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục hội viên, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; thực hiện việc góp vốn, góp quỹ để hỗ trợ các thành viên trong tổ vay vốn theo hình thức quay vòng, bốc thăm hoặc hình thức khác theo quy chế chung của tổ để đầu tư vào sản xuất hoặc giải quyết những vấn đề chính đáng của hội viên.

 Đối với cơ sở Hội: kết thúc phong trào thi đua tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến cấp cơ sở và đề nghị xét thi đua, khen thưởng theo quy định trước Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở (từ ngày 01/3/2020 đến 30/4/2020).

Đối với các huyện, thành Hội: kết thúc phong trào thi đua tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến cấp huyện, thành phố và đề nghị xét thi đua, khen thưởng theo quy định trước Đại hội Đảng bộ cấp huyện, thành phố (từ ngày 02/5/2020 đến 30/7/2020).

Đối với Hội Nông dân tỉnh: kết thúc phong trào thi đua tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến cấp tỉnh và đề nghị xét thi đua, khen thưởng theo quy định.

Kinh phí hoạt động của tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được huy động từ các nguồn: Nguồn phí ủy thác vốn vay, hội phí được trích để lại ở tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; vận động hội viên nông dân, các nhà mạnh thường quân ủng hộ.

Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia và thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân, góp phần tập hợp nông dân vào tổ chức Hội, củng cố, xây dựng chi, tổ Hội Nông dân vững mạnh. Ban Thường vụ Hội Nông dân kêu gọi cán bộ Hội và hội viên nông dân tích cực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Nông dân Việt Nam đề ra, qua đó động viên khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống Hội.

Ngọc Mai