Site banner
Thứ ba, 30. Tháng 4 2024 - 0:45

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Nông dân huyện Chợ Lách chủ động trữ nước ngọt thích ứng hạn mặn

Những năm gần đây, xâm nhập mặn ở Bến Tre xảy ra sớm, sâu và kéo dài, gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, thiếu nước ngọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài trong mùa khô đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất cây giống, hoa kiểng và vườn cây ăn trái của huyện Chợ Lách.

Vì vậy, bên cạnh việc phát triển sản xuất thì công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn được chính quyền các cấp và người dân quan tâm, trong đó phải kể đến vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tuyên truyền vận động người dân chủ động ứng phó phòng chống hạn mặn để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Bên cạnh các giải pháp công trình do nhà nước đầu tư, người dân đã có ý thức và chủ động trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa hạn mặn, việc trữ nước được thực hiện linh động bằng nhiều hình thức khác nhau như: ống hồ, bồn chứa, túi chứa, trữ nước trong mương vườn, đào hố trải bạt đắp các công trình tạm để trữ nước trong các kênh rạch tự nhiên.

Đồng chí Nguyễn Văn Bàn, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch HND tỉnh khảo sát tình hình hạn mặn tại huyện Chợ Lách (áo trắng)

Nông dân Lê Văn Hậu, ấp Hòa Lộc, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách cho biết, gia đình anh chuyên sản xuất cây giống, trung bình mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 20 - 30 ngàn cây. Rút kinh nghiệm từ các mùa hạn mặn trước, năm nay anh Hậu đầu tư xây dựng 3 hồ (ngang 6m, dài 20m, sâu 6m) chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất cây giống, mỗi hồ sức chứa khoảng 300m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho 20 ngàn cây giống trong một tháng. Ngoài việc trữ nước, anh Hậu còn sử dụng tiết kiệm nguồn nước thông qua các hệ thống tưới nhỏ giọt, điều chỉnh lượng nước phù hợp với từng loại cây trồng. Nhờ chủ động trữ nước nên đến thời điểm hiện tại, các hộ dân vẫn có đủ nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu.

Nhờ chủ động trữ nước nên đến thời điểm hiện tại, người dân huyện Chợ Lách cơ bản có đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất

Còn với anh Nguyễn Thành Tấn, ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, gia đình anh có 4.000m2 vườn trồng sầu riêng đang cho thu hoạch, để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, anh đã đầu tư xây dựng ao chứa nước ngọt có thể tích chứa khoảng 500m3, đảm bảo phục vụ cho vườn sầu riêng của gia đình từ 1 -2 tháng. Song song việc trữ nước, anh cũng thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến hạn mặn thông qua hệ thống truyền thanh xã, lịch đóng mở các cống trên địa bàn để khi có các đợt nước ngọt về thì anh tiếp tục trữ nước. Mặt khác, anh cũng lắp đặt hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tiết kiệm nước và trồng cỏ để giữ ẩm cho cây trong mùa khô.

Theo ông Võ Tuấn Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn, thời gian qua, Hội Nông dân đã tập trung tuyên truyền cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao ý thức trong thực hiện các biện pháp ứng phó hạn mặn, tập trung nắm bắt thông tin về diễn biến mặn trên địa bàn hàng ngày, hàng giờ và thông tin đến người dân. Do công tác tuyên truyền vận động thời gian qua được thực hiện tốt nên người dân chủ động trữ ngọt, đến thời điểm này mặc dù mặn đang diễn ra gay gắt nhưng cơ bản người dân trong xã vẫn đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Không để hạn mặn ảnh hưởng sản xuất, đời sống người dân

Nhằm chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bến Tre và các Sở, ngành có liên quan đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Các đơn vị cấp nước đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý. Tổ chức đo mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp kết hợp vận hành hệ thống lọc mặn RO.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn cho biết, nhằm giúp người dân chủ động ứng phó hạn mặn, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện mô hình Dân vận khéo “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân huyện Chợ Lách thực hiện các giải pháp phòng chống, ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024”.

Hội phối hợp với các cấp, các ngành liên quan vận động và hướng dẫn hội viên, nông dân trong huyện triển khai thực hiện các mô mình phù hợp tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trải bạt, đắp các công trình đập tạm để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên; đắp đập tạm cục bộ ngăn mặn...

Bên cạnh, Hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên, nông dân về các kiến thức xử lý cho cây trồng, vật nuôi trước, trong và sau hạn mặn.

Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và điều chỉnh lượng nước tùy theo loại cây trồng để tiết kiệm nước. 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn đánh giá: Ý thức của người dân về công tác chủ động phòng, chống hạn mặn đã đi vào chiều sâu và đáp ứng thực tiễn trong sản xuất. Bên cạnh việc tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, người dân còn điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp, đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách khoa học cho sản xuất trong điều kiện thiếu nước nhằm thích ứng với hạn mặn ngày càng gay gắt.

Nhận định hạn mặn năm nay diễn biến rất phức tạp, kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát từng xã, từng vùng dân sử dụng nước nhiễm mặn để có phương án xử lý giúp dân. Các nhà máy nước đảm bảo kết nối để có nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nơi nào bị nhiễm mặn mà không có điều kiện kết nối thì chở nước ngọt về cấp cho dân đủ nước sinh hoạt. Trong điều kiện khó khăn cung cấp nước vượt ngưỡng mặn cho phép thì vận động các doanh nghiệp, các nhà máy chia sẻ giảm giá cho dân.

Ngoài ra, cần tận dụng hết các máy RO, phát động khơi các giếng nước đã xây dựng mấy năm qua để phục vụ cho dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng nước tiết kiệm.

Huyền Trang