Site banner
Chủ nhật, 5. Tháng 5 2024 - 20:44

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam 21/04/1961 – 21/04/2020

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơneve về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, đất nước tạm thời chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau để hai năm sau tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phá hoại việc thi hành hiệp định Giơnevơ, chúng hất cẳng Pháp và tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn sự phát triển của CNXH.

Thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ thiết lập ở miền Nam chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm, một chế độ độc tài phát xít tàn bạo, chúng liên tiếp gây ra các vụ tàn sát đẫm máu, điển hình như: Chợ Được, đập Vĩnh Trinh (Quảng Nam), ngày 4/9/1954; Chí Thạnh (Phú Yên), ngày 7/9/1954; Mỏ Cày (Bến Tre), ngày 13/9/1954; đầu độc tù nhân ở Nhà lao Phú Lợi (Bình Dương) vào ngày 1-12-1958, chúng giết hại hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và thường dân vô tội khác hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, đè bẹp ý chí chiến đấu vì độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Cùng với việc thi hành chính sách tố cộng, diệt cộng nhằm triệt phá cơ sở cách mạng khắp các địa bàn nông thôn miền Nam, Mỹ - Diệm còn âm mưu phục hồi giai cấp địa chủ, bày trò cải cách điền địa, ban bố Đạo Dụ (Đạo luật) số 2; số 7 và số 57 để lừa bịp nông dân, nhằm bần cùng hóa nông dân, đưa nông dân trở lại cuộc đời nô lệ làm thuê cho bọn địa chủ, tước đoạt thành quả về ruộng đất mà cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho nông dân; đi đôi với kế hoạch lập “Khu dinh điền”,  Mỹ - Diệm còn thành lập “khu trù mật” ở các vùng từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng Nam bộ nhằm bình định nông thôn, khống chế nông dân, theo phương châm “tách cá khỏi nước” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nông dân với Đảng. Trước tình hình đó, tổ chức Hội Nông dân cũng chuyển hướng họat động dưới các hình thức tương trợ, vạn vần đổi công để tiếp tục tập hợp nông dân và tìm mọi cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, che dấu, bảo vệ đảng viên và cán bộ; Đồng thời, không cam chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, nông dân miền Nam tiếp tục vùng lên chống lại các chính sách phản động của Mỹ - Diệm bằng các cuộc đấu tranh từ công khai bất hợp pháp và hợp pháp, từ đấu tranh chính trị đến dùng bạo lực nhằm phá thế bao vây, kìm kẹp của địch và diệt địch liên tiếp nổ ra khắp miền Nam, chống lại chế độ bù nhìn, tay sai Ngô Đình Diệm đòi thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ, chống khủng bố, trả thù người kháng chiến; yêu cầu bải bỏ các Đạo Dụ phục hồi giai cấp địa chủ cướp bóc ruộng đất của nông dân.

 Đặc biệt từ giữa năm 1959, trước khí thế sục sôi cách mạng bọn bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm công bố Luật 10/59, Mỹ - Diệm đã lê máy chém khủng bố man rợ khắp miền Nam, phong trào nông dân khắp miền Nam đã vùng lên đập tan từng mảng chính quyền cơ sở của địch, như nông dân miền Tây Nam bộ đánh chiếm Đồn Vàm Cái Tàu (Sông Đốc - Cà Mau); Ở miền Trung - Tây Nguyên phong trào vót chông diệt giặc của đồng bào các dân tộc đã làm cho kẻ thù khiếp sợ; cuộc nổi dậy của hơn 5000 nông dân Gia lai, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) phá khu tập trung Bà Râu - Tầm Ngân sau đó nơi đây trở thành chiến khu cách mạng; làng Ông Tía (Quảng Nam); xã Trà Quang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) ngày 28/8/1959; ở Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa bàn bị địch kìm kẹp nhất nhưng hơn 500 nông dân các dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô đã  tập hợp chống lại địch và hô vang lời thề với Đảng đoàn kết một lòng theo cách mạng đấu tranh chống lại Mỹ - Diệm cho đến thắng lợi cuối cùng và các cuộc nổi dậy cướp chính quyền của nông dân xã: Thường Phú, Thường Thới Hậu, Thường Lạc - huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); xã Đức Lập và xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa (Long An) ngày 4/9/954; cuộc khởi nghĩa của nông dân An Biên (Kiên Giang) Rùm Đuôn (Tây Ninh) Long Mỹ -Phụng Hiệp (Hậu Giang) …cũng giành thắng lợi.

Đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, trên cơ sở Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tháng 01/1959. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp Trung ương Đảng (khóa II) đã đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và  phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và “người cày có ruộng”, xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Hội nghị đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Phương pháp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, kết hợp chặt chẽ 3 vùng: đô thị, đồng bằng và rừng núi. Trên tinh thần đó, Hội nghị xác định phải thành lập một mặt trận rộng rãi ở miền Nam nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ giới tuyến 17 đến mũi Cà Mau ngọn lửa đấu tranh cách mạng được bùng lên như “Thác trào bão cuốn” mở ra cao trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở tất cả các địa bàn cả nông thôn và thành thị. Điển hình, đêm 16 rạng ngày 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, nông dân các huyện Minh Tân, Thạnh Phú, Mỏ Cày đồng khởi diệt ác, trừ gian giành quyền làm chủ và nhanh chóng lan rộng trong phạm vi toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền Nam. Tính đến cuối năm 1960, qua hai đợt đồng khởi, quân và dân miền Nam đã làm tan rã về cơ bản cơ cấu chính quyền của địch ở nông thôn. Trong tổng số 2.627 xã ở miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, số còn lại căn cứ của địch hầu hết đã bị tê liệt. Ở Tây Nguyên và vùng rừng núi khu V, ngụy quyền cơ sở đã bị quét sạch. Kế hoạch lập “khu trù mật” của địch đã bị phá sản, chính sách “cải cách điền địa” của địch đã bị thất bại thảm hại, 2/3 ruộng đất của nông dân bị Mỹ - Diệm cướp đã trở về tay nông dân làm chủ. Uy thế của cách mạng được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết.

Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi, ngày 20/12/1960 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam (Hội Nông dân Giải phóng) được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Hội Nông dân Giải phóng đã tuyên bố tán thành nội dung Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước, thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ và trở thành thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử nầy, Hội Nông dân Giải phóng là hạt nhân chính trị của phong trào nông dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân Giải phóng đã tuyên truyền, vận động nông dân đoàn kết xung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, anh dũng đứng lên diệt ác, phá kìm, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng, cung cấp “sức người, sức của” cho cách mạng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng đã đạt được của Hội Nông dân Giải phóng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy chức năng là tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền vận động nông dân, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là 3 phong trào thi đua lớn: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh. Mặc dù phải thường xuyên chống chọi với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và chịu ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực trong những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà nông dân là chủ thể đã giữ vững được sự ổn định, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ góp phần bảo đảm cho nền kinh tế - xã hội cả nước. Kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã khang trang tiến bộ hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư hầu hết các vùng nông thôn được cải thiện. Dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Người nông dân có nhiều điều kiện, cơ hội đã làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước.

      Trong sự nghiệp đổi mới Hội đã gắn công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân, nhất là về vốn, kỹ thuật, thông tin thị trường, dịch vụ đầu vào, xây dựng mô hình sản xuất; hăng hái tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào thi đua do Hội phát động tổ chức đạt hiệu quả, thiết thực. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương Nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai; nhiều nông dân tự nguyện nhường đất để xây dựng trường học, nhà trẻ, làm đường giao thông. Tự nguyện góp công, góp của làm việc thiện; có người vượt khó say mê tìm tòi và đã thành công trong sáng tạo ra những máy móc, công cụ phục vụ sản xuất... những tấm gương sáng, sinh động ở cơ sở  luôn được nhân lên. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, nông dân đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành tổ chức Hội không ngừng được củng cố vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ khi ra đời đến nay trải qua các thời kỳ cách mạng với nhiều tên gọi khác nhau: "Nông hội đỏ", "Hội Nông dân phản đế", "Hội Nông dân cứu quốc”, “Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam "Hội Liên hiệp Nông dân tập thể". Ngày 1/3/1988 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể thành Hội Nông dân Việt Nam. Đến nay, Hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở và đã qua 7 kỳ đại hội; hầu hết các xã, phường, thị trấn có nông dân đều có tổ chức Hội, các thôn, ấp, bản, làng đều có chi, tổ Hội với hơn 10 triệu hội viên. Tổ chức Hội Nông dân Việt Nam xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, của Nhà nước, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, góp phần tăng cường khối liên minh vững chắc Công - Nông - Trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với những thành tích và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, năm 1988 giai cấp nông dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, năm 2010 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2010) giai cấp nông dân Việt Nam lại vinh dự tiếp tục được đón Huân chương Sao vàng lần 2, đây là sự ghi nhận là sự đánh giá cao thành tích, cống hiến của giai cấp nông dân Việt Nam là mốc son mới trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với tỉnh Bến Tre, đầu năm 1959 trong bối cảnh tình hình cách mạng miền Nam chìm trong đêm tối, Mỹ - Diệm ban hành luật 10 - 59, ra sức khủng bố dã man những người yêu nước. Đặc biệt, trong những ngày đen tối, sự nghiệp cách mạng có lúc thối trào nhưng nông dân Bến tre vẫn giữ vững lòng tin đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu và đã biến lòng tin đó thành sức mạnh bùng lên như ngọn lửa thần kỳ. Khắp tỉnh Bến Tre, quần chúng nhân dân, nhất là nông dân sôi sục khí thế cách mạng, sẵn sàng chờ lệnh vùng lên khởi nghĩa, giành quyền làm chủ. Ngày 30/12/1959, đồng chí Nguyễn Thị Định về đến Bến Tre triệu tập hội nghị cán bộ ở Cù lao Minh quyết định phát động một tuần lễ nổi dậy, lấy 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh làm điểm chỉ đạo. Ngày 17/1/1960 nông dân xã Định Thủy bằng vũ khí thô sơ đã nhất tề nổi dậy diệt ác phá kìm thành công và tiếp tục lan rộng đến các địa phương khác.

Trung tuần tháng 4/1960, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng tại Châu Bình (Giồng Trôm) rút kinh nghiệm 3 tháng chỉ đạo Đồng Khởi, bầu đồng chí Nguyễn Thị Định làm Bí thư Tỉnh ủy, cử một đoàn đại biểu lên Khu báo cáo kinh nghiệm Đồng khởi của tỉnh Bến Tre và tiếp thu sự chỉ đạo của cấp trên. Giữa năm 1961, tại nhà ông Tám Giáp xã Châu Bình (Giồng Trôm), Hội Nông dân Giải phóng tỉnh Bến Tre được thành lập gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thạnh (Mười Thi) Tỉnh ủy viên phụ trách Dân vận kiêm lãnh đạo Hội Nông dân, đồng chí Lê Hắc Hổ (Ba Dân) Phó Thư ký Thường trực.

Sau Đồng khởi của nhân dân miền Nam thắng lợi, chiến lược chiến tranh đơn phương bị thất bại, đế quốc Mỹ trở nên bị động chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt” để đối phó với phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam.

Từ giữa năm 1962, Hội Nông dân Giải phóng tỉnh lần lượt điều các đồng chí thành viên Ban Chấp hành bổ sung cho các ngành tỉnh. Đến năm 1963, Ban Chấp hành tỉnh Hội được củng cố, đồng chí Trần Thiên Tế làm Thư ký, đồng chí Lê Hắc Hổ, làm Phó Thư ký.

Tháng 7/1965, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ban hành “Điều lệ hoạt động tạm thời của Hội” nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên mới và động viên nông dân phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều lệ của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức Hội từ tỉnh, huyện và các xã của tỉnh Bến Tre tiếp thu quán triệt và tổ chức thực hiện.

Cuối năm 1969, trên chiến trường Bến Tre địch tăng cường đánh phá lấn chiếm ngày càng khốc liệt, Tỉnh ủy xác định việc bám đất, bám dân xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch giữ đất, làm thất bại kế hoạch bình định của địch là nhiệm vụ hàng đầu. Cuối năm 1971, đầu năm 1972 Trung ương Đảng đã chủ trương mở rộng cuộc tiến công chiến lược giáng đòn quyết định vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đến quốc Mỹ. Cũng vào thời điểm này, Hội Nông dân Giải phóng tỉnh mở Hội nghị tại Vàm Bàu Dung, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua, bầu Ban Chấp hành mới gồm 15 người, đồng chí Trần Thiên Tế tiếp tục làm Thư ký. Quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, Hội đã phát động nông dân hưởng ứng chiến dịch Xuân hè năm 1972. Để huy động lương thực, tài chính bảo đảm cho việc tấn công, Hội Nông dân tỉnh đã in 50.000 phiếu phát động “Đồng khởi” gởi cho Hội Nông dân và nông dân trong tỉnh ủng hộ cho bộ đội đánh giặc. Mỗi xã chuẩn bị lực lượng trên 50 hội viên sẵn sàng làm dân công tiếp lương, tải thương, tải đạn.

Giữa năm 1973, Tỉnh ủy điều động đồng chí Võ Thành Lợi (Tư Lợi) còn gọi là Hai Chường, Phó Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú về làm Phó Thư ký Hội Nông dân tỉnh. Cuối năm 1973, Tỉnh ủy điều động đồng chí Phạm Văn Thẳng (Chín Ngay) Tỉnh ủy viên về làm Thư ký Hội Nông dân tỉnh. Tháng 01/1974 Hội Nông dân giải phóng tỉnh tổ chức Đại hội tại ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm bầu Ban Chấp hành mới. Đồng chí phạm Văn Thẳng được bầu làm Thư ký. Đầu năm 1974, Tỉnh ủy ra chỉ thị khẩn trương xây dựng vùng giải phóng thành căn cứ địa vững chắc, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã kết nạp thêm 158 hội viên, nâng tổng số toàn tỉnh là 13.819 hội viên. Tháng 6/1974 đồng chí Phạm Văn Thẳng được Tỉnh ủy điều động về huyện Bình Đại, đồng chí Nguyễn Văn Phiên (Tư Cường), Bí thư tỉnh ủy trực tiếp phụ trách làm Thư ký, các đồng chí Trương Phú Thứ (Bảy Đạt), Phó Thư lý 1 và Võ Thành Lợi, Phó Thư ký 2.

Giữa lúc quân dân Bến Tre phấn khởi trước sự chuyển biến nhanh chóng tình hình chiến trường có lợi cho ta. Từ 30/9 đến 8/10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp để phân tích tình hình cách mạng ở miền Nam hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam thông qua phương án thực hiện giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975,  1976.

Ngày 20/10/1974, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng bàn kế hoạch và xây dựng quyết tâm mùa khô năm 1974 đến 1975 sẽ tấn công mạnh mẽ thay đổi hẵn cục diện chiến trường. Thực hiện quyết chiến lược giải phóng miền Nam, nhân dân Bến Tre vô cùng phấn khởi hăng hái tập trung dồn “sức người, sức của” cho trận quyết chiến cuối cùng.

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đỗ hoàn toàn chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Nắm bắt thời cơ, các lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân đã nhất tề vùng lên bao vây, bức hàng, bức rút, tước vũ khí và tiếp quản các cơ sở của địch. Sáng ngày 01/5/1975, Bộ đội ta vào tiếp quản Thị xã Bến Tre (nay là Thành phố Bến Tre) trong rừng cờ và hoa của hàng vạn nhân dân trong tỉnh chào đón.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Hội Nông dân Giải phóng tỉnh Bến Tre tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân đoàn kết giúp nhau khai hoang phục hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh sớm khôi phục nền kinh tế. Phát động phong trào làm thủy lợi, cải tạo ruộng, vườn thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống. Thực hiện đường lối đổi mới, giai cấp nông dân tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất. Một bộ phận nông dân đã đi đầu trong cải tiến công cụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với cơ chế thị trường, vận động thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Vai trò chủ thể của nông dân từng bước được phát huy đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn mới phát triển khởi sắc. Những thành quả đạt được từ sản xuất nông nghiệp cùng với thành tựu chung về phát triển kinh tế góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh nhà.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cùng đại diện nhà tài trợ khởi công xây dựng nhà nghĩa tình nông dân xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú

Vinh dự - tự hào với lịch sử truyền thống cách mạng hào hùng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Giải phóng miền Nam nói chung, của tỉnh Bến Tre nói riêng đã đổ máu xương trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; đồng thời, nhắc nhở mỗi người phải tự hỏi với chính lòng mình, đã thật sự xứng đáng chưa với những gì đã và đang được thừa hưởng! Chỉ có như thế, cán bộ, hội viên, nông dân sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh mới bằng những việc làm cụ thể nhằm giữ gìn và viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Đ/c Lao Văn Trường, Chủ tịch HND tỉnh và đại biểu Cục An ninh sân bay Tân Sơn Nhất thăm gia đình chính sách

Kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng 59 năm qua, Hội Nông Giải phóng miền Nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; các cấp Hội trong tỉnh hướng về cơ sở, tập trung củng cố, nhân rộng các mô hình tập hợp nông dân; chỉ đạo, định hướng cho các tổ chức Hội trực thuộc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của nông dân; góp phần thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, phong trào “Đồng khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”, đề cao vai trò chủ thể của nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; với chủ đề “Các cấp Hội Nông dân đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động của Hội, tham gia phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại và xây dựng nông thôn mới”  để “bứt phá về đích” theo Nghị quyết Tỉnh ủy; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp./.

Ban Xây dựng Hội tổng hợp