Hơn 100 năm làng nghề truyền thống
Trong số hàng trăm loại bánh truyền thống, về Giồng Trôm, ta không thể không nhắc đến 2 loại bánh nổi tiếng là bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc, đặc sản từ những làng nghề có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 100 năm.
Nghề Bánh tráng Mỹ Lồng và Bánh phồng Sơn Đốc được UBND tỉnh Bến Tre công nhận làng nghề vào năm 2004, đến năm 2008 được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận làng nghề truyền thống và được Tạp chí Ẩm thực Việt Nam Vinh danh danh hiệu “Tinh hoa đặc sản 3 miền” vào năm 2014. Năm 2018, Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng và Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ món bánh thủ công truyền thống mộc mạc trong gia đình ngày tết, giờ đây, 2 loại bánh này đã được nâng lên thành hàng hóa có giá trị tiêu dùng trong và ngoài nước, tập trung tiêu thụ ở TP.HCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông, miền Trung. Những chiếc bánh mộc mạc mang đậm màu sắc bản địa và chứa đựng tình đất, tình quê, trở thành niềm tự hào của người dân xứ dừa Bến Tre nói chung, quê hương Giồng Trôm nói riêng. Tuy vậy, mỗi dịp giáp Tết, không khí nhộn nhịp, tất bật lại ùa về 2 làng nghề theo những đợt gió chướng đầu tiên.
Ngọt ngào chiếc bánh tráng Mỹ Lồng
Là xã cửa ngõ của huyện Giồng Trôm giáp với thành phố Bến Tre, xã Mỹ Thạnh đón chào du khách phương xa bằng hình ảnh những liếp bánh trángtrải dài thẳng tắpnối tiếp nhau phơi mình trong nắng dọc theo hai bên đường, những quầy bánh san sát nhau với nhiều loại bánh quê, nhưng nổi bật nhất vẫn là bánh tráng, bởi đây là nơi toạ lạc của làng nghề truyền thống Bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng bao đời.
Bánh tráng Mỹ Lồng được làm từ các nguyên liệu như gạo, đường, muối, mè,…và nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu là nước cốt dừa đậm đặc béo ngậy của xứ sở quê hương. Gạo làm bánh tráng phải là thứ gạo đặc biệt thuộc giống lúa “sỏi” ở Trà Vinh. Làm bánh bằng loại gạo này chiếc bánh mới giữ được nguyên dạng không bị co rúm khi đem phơi nắng. Bánh tráng Mỹ Lồng nướng vừa chín, lấy ra ăn nóng ngay mới cảm thấy đầy đủ cái béo, thơm, ngọt bùi hoà quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc trưng. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đặc sản bánh tráng Mỹ Lồng có nhiều loại khác nhau, như: bánh tráng dừa, bánh tráng sữa, bánh tráng sữa trứng gà,...
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng tất bật dịp giáp Tết
Ông Nguyễn Thanh Huy, ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, một hộ gia đình có truyền thống ba đời làm bánh tráng chia sẻ:“Ngày xưa, gia đình bà nội tôi làm nghề này, khi bà nội già thì cha mẹ tiếp tục, cho đến nay thì tôi là con cháu nối tiếp. Nghề làm bánh tráng cũng mang lại giá trị thu nhập lớn cho địa phương, phát triển kinh tế xã hội của xã. Bên canh việc kế thừa truyền thống thì tôi cũng tiếp thu học hỏi kinh nghiệm để duy trì cái nghề truyền thống này, bỏi vì nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng là một trong những di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đồng thời tôi cũng sẽ tiếp tục kết nối với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm ra thị trường rộng rãi hơn.”
Làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng có 204 hộ tham gia sản xuất bánh tráng dừa và giải quyết việc làm cho gần 500 lao động tại địa phương. Mức tiêu thụ sản phẩm bánh tráng đạtkhoảng 12 triệu cái vào năm 2023, doanh thu đạt 36 tỷ đồng/năm. Sản lượng tiêu thụcao nhất vào khoảng từ tháng 09 đến giáp Tết Nguyên Đán. Vào dịp tết trung bình mỗi hộ cung cấp ra thị trường vào khoảng từ 25.000 đến 90.000 cái bánh. Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng được thành lập vào năm 2019 và sản phẩm bánh tráng HTX bánh tráng Mỹ Lồng được công nhận đạt hạng 03 sao sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết:“Trong thời gian tới để quảng bá thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng thì xã sẽ chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc phát triển hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng, hỗ trợ đầu tư cho các hộ trong làng nghề từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh về trang thiết bị máy móc như máy ép nước cốt dừa, máy tráng bánh và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đầu tư về bao bì, công nghệ bảo quản để bánh được giữ lâu hơn, có thể vận chuyển xa hơn. Đặc biệt là bánh tráng Mỹ Lồng còn một hạn chế lớn là bánh cần phải phơi bánh dưới nắng mặt trời, do đó cần đầu tư công nghệ sấy bánh để không phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, để đảm bảo nguồn cung bánh có chất lượng và số lượng ổn định ra thị trường.”
Tình quê trong chiếc bánh phồng Sơn Đốc
Cũng như bánh tráng Mỹ Lồng, hơn một thế kỷ qua, chiếc bánh phồng Sơn Đốc đã gắn liền với địa danh chợ Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm.
Bánh phồng nếp Sơn Đốc được làm từ các nguyên liệu như nếp, nước cốt dừa, mì, sữa, đường, muối, mè,… Nếp làm bánh phồng là loại nếp ngon, dẻo (người dân hay gọi là nếp rặt). Nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các nguyên liệu khác. Hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, bột giã xong sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cho vào máy cán bánh. Ngoài bánh phồng nếp, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc còn sản xuất bánh phồng mì, mì tôm, bánh phồng mì dán chuối,...
Chị Võ Thị Bé Ái, ấp 1 xã Hưng Nhượng chia sẻ: “Lò bánh nhà tôi đã làm hơn 20 năm nay. Gần đây thì lò bánh của tôi được đầu tư máy móc và chuyển sang công nghệ hiện đại. So với cách làm thủ công, việc áp dụng máy móc giúp giảm nhân công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm, sản phẩm làm ra có độ đồng đều, đẹp mắt hơn. Nhìn chung năng suất so với tráng tay vượt trội hơn gấp nhiều lần.”
Đại biểu trải nghiệm không gian phục dựng nghề làm bánh phồng Sơn Đốc
Thưởng thức chiếc bánh phồng giòn tan vừa mới nướng xong, thực khách mới cảm nhận được hết cái giá trị tinh thần của người bánh phồng Sơn Đốc. Kết tinh trong từng chiếc bánh mộc mạc ấy không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa của người dân quê.
Hiện tại, làng nghề Bánh phồng Sơn Đốc có 51 cơ sở sản xuất bánh phồng, giải quyết hơn 270 lao động tại địa phương, có Hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có nhãn hiệu tập thể bánh phồng Sơn Đốc.Tổng sản lượng bánh phồng tiêu thụ ra thị trường năm 2023 khoảng 40.000.000 cái, doanh thu đạt 39,7 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng cho biết:“Hợp tác xã làng nghề là nồng cốt để phát triển kinh doanh, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Các sản phẩm của làng nghề với nhiều chủng loại được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Định hướng thời gian tới sẽ xây dựng sản phẩm OCOP cho chủ thể hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc, cải tiến nhản mác, bao bì sản phẩm, chuẩn bị các điều kiện để xúc tiến quảng bá sản phẩm của làng nghề tiêu thụ trên thị trường trong nước và ngoài nước.”
Hàng năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đóng góp hàng tỷ đồng trong GDP của tỉnh Bến Tre, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề Bến Tre nói chung, làng nghề huyện Giồng Trôm nói riêng.
Phát triển sản phẩm OCOP – đưa hương vị bản địa vươn xa
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, Giồng Trôm đã tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP với mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn xa hơn trên thị trường. Hiện tại, huyện Giồng Trôm có 58 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.Trong đó, có 3 sản phẩm bánh phồng Sơn Đốc đạt tiêu chuẩn 3 sao là: Bánh phồng mì sữa, Bánh phồng mì dán chuối, Bánh phồng mì nước cốt dừa, và 1 sản phẩm bánh tráng dừa thuộc hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Ông Nguyễn Minh Trung – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hướng tới đây để cho làng nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc cũng như các loại bánh dân gian của địa phương tốt hơn thì Ủy ban có những chủ trương hết sức cụ thể thứ nhất là tập trung xây dựng, phát triển kiện toàn Ban chủ nhiệm của 02 làng nghề, đặc biệt là xây dựng Hội đồng Quản trị thật vững mạnh có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, có kinh nghiệm quản trị; thứ hai tiếp tục tạo điều kiện cho các làng nghề tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn khuyến công, để cho các làng nghề đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, thay đổi mẫu mã, bao bì đẹp hơn; thứ ba tổ chức đẩy mạnh quảng bá, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các sản phẩm quốc gia, địa phương; thứ tư là liên kết với các tua, các điểm du lịch, xây dựng các làng nghề này thành điểm đến du lịch, để khách tham quan, đến đây du lịch trãi nghiệm; thứ năm là năm chúng ta tổ chức ngày hội bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc và bánh dân gian hàng năm.”
Song song đó, huyện chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống trên địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX bánh tráng Mỹ Lồng, HTX bánh phồng Sơn Đốc. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công tỉnh, huyện, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ để xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ và phát triển làng nghề đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, nhất là khâu sấy bánh nhằm giảm thiểu việc phơi bánh ngoài trời để đảm bảo ATVS thực phẩm, bảo vệ môi trường; cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu đưa sản phẩm quảng bá, cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường để phát triển làng nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Giữa tháng 11 vừa qua, Uỷ ban nhân dân huyện Giồng Trôm long trọng tổ chức Lễ khai mạc Quảng bá nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, bánh dân gian huyện Giồng Trôm năm 2024. Nằm trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra các hoạt động gồm: trưng bày hơn 20 gian hàng: bánh tráng, bánh phồng, bánh dân gian, các sản phẩm Ocop và 02 cơ sở phục dựng cách làm bánh tráng, bánh phồng. Tổ chức trò chơi: thắt là dừa, dán bánh phồng chuối, cán bánh phồng, ép bong bóng và đi trên gáo dừa. Tổ chức đoàn tham quan, trải nghiệm tại cơ sở sản xuất Bánh phồng Sơn Đốc.