Huyện Thạnh Phú có diện tích nuôi tôm biển thâm canh lũy kế đến cuối năm 2021 là 3.350 ha, năng suất bình quân khoảng10 tấn/ha; trong đó, diện tích nuôi tôm 2,3 giai đoạn, nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao là 780 ha, tập trung ở các xã trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghệ cao là Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Thạnh và Mỹ An, năng suất thu hoạch trung bình khoảng 40 tấn/ha diện tích nuôi. Thời gian qua, mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao này cho thấy hiệu quảrất cao, rủi ro tương đối thấp, đang phát triển mạnh tại các địa phương vùng quy hoạch.
Hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện đang tập trung thực hiện kế hoạch phát triển 1500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Huyện đã thành lập tổ chỉ đạo cấp huyện; 9 xã trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm CNC đều xây dựng kế hoach cấp xã, thành lập tổ vận động cấp xã để thực hiện kế hoạch của huyện. Tính đến tháng 5 năm 2022, diện tích nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong huyện ước đạt 800 ha. Từ đầu năm đến nay, người dân đã thả nuôi vụ 1, diện tích nuôi khoảng 578 ha. Đã thu hoạch trên diện tích nuôi 390 ha, sản lượng ước đạt 4.680 tấn. Nhìn chung, đa số người dân nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao đều có lợi nhuận cao, ít gặp rủi ro.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang phát triển mạnh tại các vùng quy hoạch của huyện
Ngay từ những tháng đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyệnphối hợp Chi Cục Thủy sản tỉnh, Chi Cục Phát triển Nông thôn tỉnh, Ban sáng lập viên, Agribank Thạnh Phú và các hộ nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao của các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh tổ chức 3 cuộc triển khai chính sách hỗ trợ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và vận động hộ tham gia Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú, kết quả có 19 hộ đăng ký tham gia. Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã An Nhơn và Giao Thạnh thành lập 01 tổ hợp tác nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có 20 thành viên, nâng tổng số đến nay huyện có 02 tổ hợp tác nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp với Công ty TNHH Hải Sản Việt Hải, tỉnh Hậu Giang khảo sát diện tích mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để xây dựng chứng nhận ASC. Hiện công ty đang hỗ trợ cho cơ sở Phan Thị Mỹ Linh xây dựng hồ sơ làm giấy chứng nhận ASC.
Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ra công văn tiến hành điều chỉnh kế hoạch phát triển nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao của các xã đảm bảo phù hợp và triển khai thực hiện kế hoạch chuỗi giá trị tôm biển năm 2022 của Chi cục thủy sản. Tiến hành thành lập tổ vận động, theo dõi việc triển khai thực hiện kế hoạch nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của các xã. Rà soát, thống kê danh sách hiện trạng các doanh nghiệp, cơ sở, hộ nuôi tôm thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao và những trường hợp có nhu cầu chuyển đổi, đầu tư mới hoặc mở rộng mô hình. Phấn đấu đến cuối năm 2022 toàn huyện đạt diện tích nuôi tôm công nghệ cao 950 ha.