Mô hình Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn (RAT) Bình Phước, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri được Hội Nông dân xã xây dựng vào năm 2011, có 60 hộ nông dân tham gia thực hiện với tổng diện tích là 6 ha. Để thực hiện mô hình trồng RAT đạt hiệu quả, Hội nông dân xã Tân Thủy đã kết hợp cùng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn và thực hành trực tiếp cho 60 thành viên trong THT trên đồng ruộng về kỹ thuật sản xuất RAT trong thời gian 15 ngày. Cùng với kinh nghiệm nhiều năm trồng các loại rau màu, các thành viên THT đã thực hiện mô hình một cách hiệu quả việc lên liếp trồng có đánh rảnh cặp theo các liếp và cạnh các liếp có hệ thống cống, bọng để thoát nước được dễ dàng giúp rau màu phát triển tốt. Thường thì các hộ nông dân trồng các loại rau màu như: hành tím, cải xà lách, ớt, hẹ, ngò, cà chua…, được bố trí sản xuất theo phương pháp thu hoạch xoay vòng, tránh được trình trạng tồn động và dội chợ.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Hữu Thoại, ở ấp Tân Bình có 9 công đất để trồng màu, trước đây gia đình ông trồng theo cách truyền thống, hiệu quả thấp. Sau khi được Hội nông dân xã phát động và được dự các lớp tập huấn trồng RAT, ông đã tích cực tham gia vào THT. Vụ vừa qua, ông Thoại trồng cải xà lách, sau 40 ngày cho thu hoạch đạt năng suất gần 2 tấn/công, với giá bán 20 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu vào được 35 triệu đồng và sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận gần 30 triệu đồng/công. Theo ông Thoại, trồng RAT năng suất luôn cao hơn so với cách trồng truyền thống và trồng được quanh năm, trong quá trình trồng thường sử dụng phân bón vi sinh, thời gian cách ly ngắn, bón phân cân đối, giảm được chi phí trong sản xuất, ít sâu bệnh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng, do không có dư lượng thuốc trừ sâu trong rau cải.
Mô hình trồng rau xã Tân Thủy
Ông Lê Thanh Bình- Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thủy cho biết: Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xã tiến hành thành lập THT sản xuất RAT Bình Phước, có 60 hộ tham gia. Qua quá trình thực hiện, các hộ ND trồng rau sạch đạt năng suất cao, giá thành giảm, nông dân có thu nhập được nâng lên và ổn định cuộc sông.
Tuy nhiên, để mô hình THT sản xuất RAT ở xã Tân Thủy hoạt động sản xuất có hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới các hộ nông dân nên thực hiện quy trình sản xuất theo hướng GAP (sản xuất nông nghiệp sạch); sản phẩm sau khi đưa ra thị trường phải đảm bảo 3 yêu cầu về an toàn (AT) cho môi trường, AT cho người tiêu dùng và AT cho người sản xuất. Nếu thực hiện đúng theo quy trình trên, thì thời gian không xa sẽ mở ra hướng đi mới cho người nông dân ở địa phương.