Site banner
Thứ hai, 17. Tháng 3 2025 - 19:17

Chúc mừng năm mới Xuân Ất Tỵ 2025

Nhân rộng trồng màu ven sông Ba Lai

Với điều kiện được hưởng lợi ưu đãi ngọt hoá từ hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai mang lại, hiện cặp sông Ba Lai xã Phú Long, huyện Bình Đại các hộ dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngọt hoá chủ yếu là cây dừa, nuôi thuỷ sản nước ngọt. Hiện có một ít hộ đã mạnh dạng chuyển đổi và thực hiện trồng màu trên vùng đất ngọt hoá này, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Thuận 62 tuổi sinh sống tại ấp Giồng Kiến thu nhập tương đối ổn định từ mô hình trồng màu.

Ông Thuận chuyên canh gần 1.000 mét vuông đất ven nhà, với đủ các loại rau muống, cải, rau dền, hành, ngò … thu nhập trung bình mỗi ngày 150 đến 200 ngàn đồng, ước đạt 5 đến 6 triệu đồng trên tháng, cộng với tiền lương hưu của vợ ông là cô Hồng – một giáo viên nghỉ hưu thì thu nhập trên 10 triệu đồng trên tháng đảm bảo cuộc sống ổn định cho gia đình.

Ảnh: vườn cải tươi tốt của ông Nguyễn Văn Thuận

 Khi mới bắt đầu triển khai mô hình, ông Thuận học hỏi từ các hộ trong tổ hợp tác rau màu trên vùng giồng cát ấp Giồng Kiến, xã Phú Long. Tuy nhiên do chưa nắm bắt kỹ thuật trong canh tác nên lúc đầu ông gặp nhiều khó khăn và hiệu quả kinh tế mang lại chưa đạt được như mong muốn. Theo ông Thuận, trước khi xuống giống, chuẩn bị đất trồng tốt và phơi nắng đất (3 – 5 ngày), xới đất và kết hợp bón phân hữu cơ được Hội nông dân xã giới thiệu. Phân hữu cơ giúp rau màu tăng trưởng tốt và rau sạch. Ông chia sẻ thêm, tình hình sâu bệnh nhiều, cộng với việc giảm sử dụng thuốc hoá học trong rau màu thì thực hiện phương pháp truyền thống ngâm tỏi cùng rượu gốc để phun xịt. Đặc biệt, khi mới phát hiện sâu bệnh thì cần phun xịt liền, khi đó sâu chưa nở trứng sinh trưởng thì mới đạt được hiệu quả cao. Hiện vườn rau nhà ông đã thu hoạch ổn định, rau muống hay cải xanh từ 18 ngày trở lên có thể thu hoạch. 1kg hạt rau muống  (mua giá 60k) thu hoạch từ 60 đến 80kg thành phẩm.

Việc trồng màu của gia đình ông Thuận không mấy khó khăn, hàng ngày ông chịu khó tưới nước, xới đất, bón phân, còn cô Hồng thì phụ trách thu hoạch và đầu ra sản phẩm. Do được địa phương kết nối thương lái cũng như tìm đầu ra sản phẩm nên nguồn ra của vườn rau nhà ông Thuận có nơi tiêu thụ ổn định, không bị động.

Theo nhận định của Hội nông dân xã Phú Long thì ấp Giồng Kiến vốn đã được thiên nhiên ưu đãi trở thành vùng nguyên liệu chuyên canh cây màu duy nhất ở xã Phú Long. Vì vậy địa phương đã nhân rộng các mô hình trồng màu ra ven sông Ba Lai vùng nước ngọt, bước đầu mang hiệu quả kinh tế ổn định. Xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình cho những hộ gia đình khó khăn để có nguồn thu nhập ổn định./.

HND xã Phú Long