Site banner
Thứ tư, 13. Tháng 11 2024 - 0:10

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Mô hình nuôi ruồi lính đen đồng hành việc bảo vệ môi trường

Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân cùng người dân ấp Tân Phong triển khai thực hiện mô hình nuôi ruồi lính đen (sâu canxi) tạo ra hiệu quả kinh tế và góp phần tích cực bảo vệ môi trường.

Tại ấp Tân Phong, có 10 hộ là hội viên, nông dân đã thực hiện mô hình nuôi sâu canxi. Ban Quản lý Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ vật tư để xây dựng bể nuôi cũng như hệ thống hoàn chỉnh nuôi sâu canxi và cung ứng trứng ruồi lính đen đợt một cho 10 hộ nuôi (mỗi hộ được hỗ trợ 50gram trứng ruồi lính đen). Trung bình, bể nuôi sâu canxi có diện tích 4,5m2 (ngang 1,5m và dài 3m); được xây gạch ống xung quanh (cao hơn 0,36m so với mặt nền). Người nuôi trang bị mùng lưới vây kín để hạn chế tối đa việc vật nuôi bị thất thoát ra môi trường bên ngoài.

Bước đầu, nông dân ấp Tân Phong triển khai thực hiện mô hình nuôi sâu canxi làm thức ăn cung cấp cho vật nuôi (gà, vịt, cá) và tạo phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng (bưởi, dừa…). Theo người nuôi, nhiệt độ khoảng 280C thì nhộng sâu canxi rất ưa chuộng và sinh trưởng tốt. Hơn 20 ngày chăn nuôi, trứng sâu canxi có thể trưởng thành nhộng với kích cỡ bằng đầu đũa và có thể xuất bán với giá trung bình từ 25 - 30 ngàn đồng/kg trên thị trường tiêu thụ. Trung bình, từ 50 gram trứng ruồi lính đen thì người nuôi có thể thu hoạch được từ 250 - 400 kg ấu trùng ruồi lính đen. Ngoài những phế phẩm trong sinh hoạt, người nuôi có thể cung cấp thức ăn cho sâu canxi như bã bia hay bã đậu giúp tạo sự thông thoáng cho bể nuôi cũng như thúc đẩy nhanh tiến trình sinh trưởng của vật nuôi.

Bà Lê Thị Tình, 56 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 6 cho biết: Tôi nhận thấy việc nuôi sâu canxi đã đảm bảo điều kiện thực tế của gia đình và gắn liền việc bảo vệ môi trường ở nông thôn. Những phế phẩm trong sinh hoạt như: rau, củ, quả, phân chuồng sẽ tạo nguồn thức ăn cung cấp hiệu quả cho sâu canxi. Khi sâu canxi trưởng thành, tạo nguồn thức ăn cung cấp cho vật nuôi cũng như cây trồng của gia đình, giảm được chi phí đầu tư trong việc chăn nuôi. Dễ nuôi, không tốn kinh phí đầu tư nhiều, tương thích gia đình ở nông thôn,

Ảnh Chị Đỗ Thị Lệ (áo xanh) bên mô hình nuôi ruồi lính đen - sâu canxi của mình.

Bà Đỗ Thị Lệ, 56 tuổi, ngụ Tổ Nhân dân tự quản số 12 chia sẻ: Bằng việc duy trì ổn định mô hình, gia đình đã tạo được nguồn thức ăn ổn định cho vật nuôi. Khi phát triển số lượng nuôi sâu canxi, tôi kỳ vọng có thêm thu nhập để tạo hiệu quả kinh tế ổn định và thiết thực cho gia đình. Hiện tại, khi gia đình có phụ phẩm sinh hoạt thì tôi mang cho nhộng sâu canxi ăn và cung cấp thêm bã đậu (1 tuần/lần) để tạo không gian sạch sẽ bể nuôi và tăng cường dinh dưỡng cho sâu canxi.  

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới  A, anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Qua thời gian áp dụng thực hiện mô hình nuôi sâu canxi ở địa phương, Hội Nông dân nhận thấy bước đầu mang lại hiệu quả cho người nuôi cũng như góp phần bảo vệ môi trường ở nông thôn. Tận dụng được những phế phẩm trong sinh hoạt, nhằm đảm bảo giảm rác thải ra môi trường. Nhộng sâu canxi tạo nguồn thức ăn để nuôi gà, vịt, cá để giúp phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Hướng tới, Hội Nông dân tiếp tục theo dõi kết quả của mô hình, phối hợp Ban Quản lý Dự án tỉnh cung cấp trứng giống ruồi lính đen đợt hai cho hộ dân và tiếp tục thực hiện các mô hình góp phần bảo vệ môi trường như: nuôi trùn quế, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi...

Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, Mỏ Cày Nam