Xác định khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, mang tính xuyên suốt nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà một cách nhanh chóng và bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020” để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Chương trình thể hiện sự quyết tâm chính trị cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển tỉnh nhà, với mong muốn sẽ khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong nhân dân, doanh nghiệp, giúp Bến Tre đã trở thành một trong những địa phương đi tiên phong trong phong trào thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp trong cả nước. Qua quá trình triển khai thực hiện, chương trình đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nền kinh tế - xã hội, từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương gắn với các sản phẩm bản địa, sử dụng khoa học và công nghệ làm đòn bẩy và bệ đỡ để xây dựng ngành sản xuất tỉnh nhà theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Anh Lê Thanh Tiến được tôn vinh "Nông dân Bến Tre xuất sắc” giai đoạn 2018 - 2020.
Tiếp thu Chương trình số 10 của Tỉnh ủy, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cụ thể hóa, triển khai thực hiện ở từng cấp phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, đơn vị. Nội dung chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong mỗi cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức các chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực để cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; định hướng, hướng dẫn, tạo điều kiện kết nối, vận động tổ chức, cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp; tập trung tổ chức thực hiện các hoạt động Đồng Khởi thoát nghèo, hỗ trợ sinh kế theo từng nhóm hộ hội viên, nông dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp (trừ các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội) nhằm giúp cho các hộ này thoát nghèo bền vững.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình đã có nhiều hội viên, nông dân khởi nghiệp thành công, tỷ lệ hội viên, nông dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được kéo giảm từ 08-10%/năm. Đặc biệt, có nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư, thành lập công ty để khởi nghiệp sáng tạo từ nguồn tài nguyên bản địa đem lại thu nhập rất cao, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương; điển hình là trường hợp anh Lê Thanh Tiến với Công ty TNHH Dừa Đông Dương chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ chỉ xơ dừa, mụn dừa; mua bán dừa trái, nước dừa, cơm dừa tại ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Được thành lập từ năm 2019 với doanh thu ban đầu khoảng gần 03 tỷ đồng, đến nay, công ty đã được mở rộng với quy mô nhà xưởng 4.000 m2, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 70 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân hàng tháng trên 5.000.000 đồng/lao động, doanh thu năm 2020 hơn 25 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 800% so với năm 2019.
Trao đổi với chúng tôi, anh chia sẻ: nhận thấy nguồn nguyên liệu từ dừa tại địa phương rất phong phú nhưng đa số người dân chỉ bán cho thương lái với giá rẻ, những phụ phẩm từ dừa như vỏ dừa, chỉ xơ dừa, mụn dừa chưa được tận dụng, chế biến một cách đúng mức, triệt để nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong khi thị trường này rất tiềm năng cả trong lẫn ngoài nước. Nghĩ là làm. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi từ những mô hình đi trước, anh mạnh dạn đầu tư nghiêm túc cho việc khởi nghiệp với việc bắt tay vào tìm kiếm thị trường, xây dựng nhà xưởng, thu mua nguyên liệu, thuê mướn lao động,... và tiến hành sản xuất. Với sự sáng tạo của mình, anh đã chế tạo và không ngừng cải tiến máy móc phục vụ cho sản xuất, tạo ra sản phẩm mới ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, phù hợp với thị hiếu, yêu cầu, đơn đặt hàng của đối tác, từ đó giúp doanh thu của công ty tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ chỉ sau hơn một năm hoạt động; trong đó, doanh thu xuất khẩu sản phẩm của công ty chiếm tỷ trọng lớn, các sản phẩm xuất khẩu của công ty được đánh giá cao về chất lượng và dần tạo được uy tín trên thị trường thế giới.
Với việc khởi nghiệp thành công của anh đã góp phần ổn định đầu ra cho cây dừa - cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, giúp nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa, trực tiếp làm ra những sản phẩm, vật dụng thân thiện, bảo vệ môi trường; giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm sinh kế để thoát nghèo bền vững. Mặt khác, từ nguồn thu nhập có được, hàng năm công ty đã trích khoảng 30.000.000 đồng cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn; thực hiện tốt nghĩa vụ thuế nộp vào Ngân sách Nhà nước hơn 100.000.000 đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Về thành tích cá nhân, anh đã đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VI, năm 2016 - 2017 trong lĩnh vực Cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải với giải pháp “Thiết bị đánh máy dây thừng chỉ xơ dừa 8 sợi”; đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền, Danh hiệu “Nông dân Bến Tre xuất sắc” giai đoạn 2018 - 2020.
Mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ tài nguyên bản địa góp phần gia tăng giá trị ngành dừa như một điểm sáng của phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” của các cấp Hội Nông dân, vì vậy cần được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Mong rằng, với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp Hội, hội viên, nông dân được tiếp thêm nguồn năng lượng từ cơ chế, chính sách của chương trình khởi nghiệp sẽ ngày càng có thêm nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ nguồn tài nguyên bản địa đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng như các sản phẩm khác trong tương lai không xa./.