Trong năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt công tác vay vốn cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều nông dân trong huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ảnh: Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Nam
Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện luôn bám sát nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và chỉ đạo các cấp Hội cơ sở thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các Chi hội. Hội viên nông dân nghèo đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống.
Đến nay, 16/16 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện; có 118 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý; thực hiện uỷ thác cho vay các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt: 124tỷ 392 triệu đồng, cho 4.247 lượt hộ vay. Hội Nông dân các cấp đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Tổ TK&VV bình xét cho vay công khai, đúng đối tượng thụ hưởng vay vốn; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH để giải ngân các chương trình tín dụng chính sách; thưc hiện kiểm tra, giám sát các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ngân hàng CSXH giải ngân cho hộ vay, kiểm tra theo định kỳ, kiểm tra hoạt động của các Tổ TK&VV. Chất lượng tín dụng của các Tổ TK&VV ngày càng được nâng cao về nội dung và chất lượng. Cùng với việc hỗ trợ nông dân vay vốn, Hội nông dân các cấp còn tích cực phối hợp với các ngành tổ chức được 30 buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm.
Thông qua hoạt động ủy thác, nông dân có điều kiện tốt hơn để phát triển phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi. Điền hình như hộ ông Huỳnh Văn Đẹt, xã An Định, đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo cho thu nhập đạt từ 300-400 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Cọt, xã Bình Khánh vay vốn đầu tư chăn nuôi kết hợp đầu tư sơ chế cơm dừa thu nhập 100-200 triệu đồng/ năm, hộ ông Nguyễn Văn Tuấn với mô hình nuôi gà thả vườn thu nhập 200-300 tr đồng/ năm… Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, các hộ đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Cũng từ nguồn vốn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, nhiều năm qua, số hộ nông dân khá, giàu trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể, trong năm 2021 có 257 hộ nông dân thoát nghèo bền vững.
Thông qua nguồn vốn này, tỷ lệ tập hợp hội viên vào tổ chức Hội ngày càng cao, hội viên thêm gắn bó với tổ chức Hội, giúp cán bộ Hội nâng cao năng lực quản lý về tài chính, tín dụng, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò, nhiệm vụ là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân, xây dựng giai cấp nông dân xứng đáng là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.