I. Tổng quan về lịch sử Hội và phong trào nông dân tỉnh Bến Tre (1930-2019)
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 03/02/1930, mở ra một bước ngoặt lịch sử trọng đại của dân tộc. Cuối tháng 4 năm 1930 chi bộ Cộng sản đầu tiên của Bến Tre ra đời và đến tháng 6 năm 1930 Liên Tỉnh ủy Bến Tre – Mỹ Tho được thành lập, nắm ngọn cờ lãnh đạo, dẫn lối cho phong trào nông dân đi đúng con đường giải phóng cho dân tộc và cho chính mình.
Nông dân Bến Tre chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, trải qua biết bao hy sinh, thử thách của thời kỳ đầu mới thành lập Đảng, vẫn một lòng, một dạ thủy chung đi theo Đảng. Tháng 8/1945 thời cơ đến, cùng cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nông dân Bến Tre cùng với các tầng lớp, giai cấp nông dân trong tỉnh nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945 giành chính quyền về tay nhân dân. Thực dân Pháp trở lại xâm lược, nông dân Bến Tre lại “nốp với giáo” lên đường cứu nước. Chín năm kháng chiến đánh bại thực dân pháp, Tổ quốc được độc lập nửa nước. Nông dân Bến Tre lại phải tiếp tục đấu tranh. Với truyền thống quật cường không chịu khuất phục và tinh thần tự lực cánh sinh, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, bằng lòng dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nông dân Bến Tre đã làm nên cuộc Đồng Khởi thần kỳ ngày 17/01/1960, đánh dấu bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đưa tới sự khủng hoảng triền miên của chính quyền miền Nam, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân 1975. Để đổi lấy độc lập tự do, người nông dân Bến Tre “lớp cha đi trước, lớp con theo sau” các thế hệ nối tiếp nhau lên đường đi chiến đấu. Giải phóng rồi đã có hơn 3 vạn rưỡi người mà phần lớn là con, em nông dân hy sinh trên khắp các chiến trường.
Hơn 40 năm, kể từ khi xóm làng im tiếng súng, vượt qua thời kỳ đầu với muôn vàng khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất ổn định đời sống; trải qua những bước thăng trầm, người nông dân Bến Tre vẫn kiên định lập trường đi theo Đảng. Từ năm 1986, hăm hở hưởng ứng công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng, hơn 30 năm qua, cùng với nhân dân trong tỉnh, giai cấp nông dân Bến Tre đã phát huy tinh thần Đồng khởi, nổ lực, chung tay xây dựng quê hương và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cầu Rạch Miễu, rồi đến cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên cũng đã hoàn thành, hoàn toàn phá thế biệt lập của đất cù lao. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn Bến Tre ngày nay đã có bước khởi sắc, kể cả vùng sâu, vùng xa, văn minh hơn, sống động hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà trong đó đại đa số là nông dân được cải thiện đáng kể. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới thực hiện cuộc “Đồng Khởi mới” đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà chủ thể là giai cấp nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhất định người nông dân Bến Tre sẽ phát huy tinh thần tự lực, tự cường cần cù, sáng tạo góp phần xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng văn minh, giàu đẹp.
II. Phong trào nông dân Bến Tre dưới sự lãnh đạo của Đảng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945
1. Tổ chức Đảng được thành lập và phong trào cách mạng (1930 – 1931)
Trước tình hình nổi dậy của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với những hình thức ngày càng quyết liệt và quy mô lớn địch tăng cường khủng bố dập tắt phong trào. Nhiều cuộc đàn áp đổ máu đã xảy ra như ở Bình Thành (Giồng Trôm), hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng cốt cán bị bắt bớ, tra tấn, tù đầy. Ở làng Định Thủy (Mỏ Cày) cuộc đại hội do Nông hội đỏ tổ chức bị lộ, địch bố trí vây bắt nhiều quần chúng trung kiên, trong đó có ông Đặng Văn Nhiều vì không khai báo bị địch tra tấn đến chết trong nhà giam.
Những cuộc thử thách đầu tiên bị đàn áp đẫm máu, nhưng phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo và khí thế của quần chúng nông dân ở nông thôn do Nông hội đỏ làm nòng cốt đã làm cho kẻ thù run sợ. Cương lĩnh “độc lập dân tộc, người cày có ruộng” của Đảng đáp ứng đúng nguyện vọng cấp bách của người nông dân đang oằn oại, rên siết dưới ách thực dân phong kiến. Vì vậy kẻ địch càng đàn áp khủng bố thì phong trào càng lên mạnh, tổ chức phát triển, thực lực được tăng cường.
2. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 – 1939)
Ở nước Pháp, trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 4/1936, Mặt trận bình dân liên minh giữa 3 Đảng: Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Đảng Cấp tiến đã giành được thắng lợi. Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp đã ban bố một số cải cách dân chủ đối với thuộc địa, trong đó có chủ trương ân xá chính trị phạm và cử một phái đoàn của Quốc hội Pháp điều tra tình hình các thuộc địa. Do tình hình đó, một số cán bộ, đảng viên bị tù đày được thả ra, trở về địa phương, móc nối cơ sở, xây dựng lại phong trào. Mặt khác, tình hình sinh hoạt dân chủ công khai hợp pháp cũng có phần được cải thiện. Tháng 7/1936, Trung ương Đảng đã có nghị quyết về chuyển hướng tổ chức và phong trào.
Về tổ chức, lập Mặt trận dân chủ Đông Dương chống phát xít, triệt để lợi dụng các hình thức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp để tập hợp quần chúng đẩy mạnh phong trào.
Về khẩu hiệu đấu tranh: đòi tự do, dân chủ, dân sinh, hòa bình, chống phát xít, chống chiến tranh…
Ở Ba Tri, năm 1936, Ủy ban hành động tổ chức mít tinh công khai tại chợ Ba Tri kêu gọi các giới đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Năm 1938, nông dân ở các làng Phước Tuy, Phú Ngãi, Tân Xuân, Mỹ Thạnh, Bình Hòa… đấu tranh với bọn chủ đất, đòi tăng tiền công cấy gặt, giảm giờ làm, không làm quá 10 giờ/ngày, cho công cấy ăn cơm ngày hai bữa, đòi nhà cầm quyền phải để cho nông dân mướn công điền với giá rẻ, cho mượn lúa ăn và lúa giống khi thất mùa…
Ở Mỏ Cày, tháng 11/1938, nông dân ở một số làng đưa kiến nghị đòi được mướn công điền, đòi bỏ thuế thân, đấu tranh đòi hủy bỏ thuế vô lý đánh vào những người trồng và buôn bán thuốc giồng Mỏ Cày, đòi được giúp lúa ăn cho những người đang bị đói và không được để cho bọn đầu cơ tăng giá lúa; nông dân họp thành lập “Hội ái hữu nông dân” có chương trình và điều lệ hẳn hoi. Ban trị sự được bầu cử dân chủ. Ngày 5/8/1938 Ban trị sự lâm thời ái hữu làng Bình Khánh gởi đăng báo dân chúng lời hiệu triệu có nội dung như sau: “Anh em chúng ta đang sống trong cảnh khốn cùng, làm trối chết mà vẫn thiếu ăn, không ngày nào chúng ta khỏi phập phồng lo sợ. Đứng trước hoàn cảnh ấy mình phải lo mà cứu lấy mình. Đoàn kết lại hỡi anh, chị em!”.
Ở Châu Thành và Bình Đại, nông dân kiến nghị xin giảm thuế, hạ thuế thân xuống mức thuế vô sản, chống bắt bớ vô cớ, xin cho dân đấu giá mướn công điền; đòi được công nhận việc lập Hội tương tế và phản đối nhà cầm quyền cho mật thám theo dõi Ban trị sự lâm thời của chức này; đấu tranh đòi thực hiện dân chủ và cải thiện dân sinh, kiến nghị đòi chia công điền, đòi giảm tiền góp chợ, hủy bỏ thuế xịp, bãi bỏ việc đấu giá gian lận của hội tề làng này về sở đất công điền hủy bỏ lệ đấu giá, đem đất công điền chia ra từng phần cho dân nghèo mướn với giá rẻ, để có điều kiện làm ăn sinh sống.
Ở Thạnh Phú, nông dân đòi tăng tiền công, thực hiện ngày làm công 8 giờ, được ăn hai bữa cơm, đấu tranh chống địa chủ dùng giạ lưới, giạ nang để ăn gian lúa đong tô của nông dân, buộc chúng phải dùng giạ đúng 40 lít.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, bọn cực đoan chính phủ Pháp lên cầm quyền, thực dân Pháp ra mặt khủng bố gắt gao, bắt bớ giam cầm cán bộ, đảng viên, cốt cán công khai của phong trào. Phong trào đấu tranh phải tạm thời lắng xuống.
3. Nông dân tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940)
Ngay sau khi chiến tranh thế giới nổ ra, Đảng chủ trương rút cán bộ, đảng viên đang hoạt động công khai vào bí mật để bảo tồn tổ chức và giữ vững mối liên hệ với quần chúng. Đảng Chỉ thị “các tổ chức Đảng tiếp tục duy trì cơ sở ở thành thị nhưng phải chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, biến nông thôn thành chỗ đứng chân vững chắc của cách mạng, kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị với phong trào nông thôn”.
Tháng 11/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt vấn đề giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, tạm thời gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và địa chủ phản động, thành lập Mặt trận Phản đế thay cho Mặt trận dân chủ để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Tháng 9/1940, Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Chiến tranh giữa các thế lực phát xít và đế quốc nổ ra ở biên giới Lạng Sơn và biên giới Thái – Campuchia. Tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta lúc bấy giờ rất căng thẳng. Nhân dân khổ sở, binh lính người Việt xôn xao phẫn nộ vì sắp bị đưa đi làm bia đở đạn cho chiến tranh phi nghĩa.
4. Nông dân Bến Tre tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Từ năm 1941 – 1943, chiến tranh thế giới diễn ra rất ác liệt, đe dọa sự sống còn của các dân tộc. Tháng 02/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về nước. Tháng 5/1941 Hội Nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và các tổ chức cứu quốc, nêu cao khẩu hiệu giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị lực lượng để đón thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 25/8/1945, toàn bộ chính quyền ở tỉnh và các quận đều thuộc về tay nhân dân, cuộc tổng khởi nghĩa kết thúc thắng lợi trong ngày. Ngày 26/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân tuyên cáo cách mạng hoàn toàn thắng lợi.
III. Phong trào nông dân và Hội Nông dân Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)
Ngày 23/9/1945, Tỉnh ủy họp hội nghị để đánh giá tình hình trong tỉnh từ sau ngày giành được chính quyền và thảo luận, quán triệt, chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy. Ngày 6/8/1949 Thường trực Trung ương Đảng quyết định thành lập tổ chức Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban liên lạc nông dân toàn quốc), đã đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp kháng chiến, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.
Đầu năm 1950, thực dân Pháp tiếp tục thực hiện kế hoạch bình định lấn chiếm Nam Bộ. Về quân sự, chúng chia khu 8 thành 3 chiến trường, riêng Bến Tre là chiến trường độc lập thuộc chiến trường 3. Trước tình hình địch bình định lấn chiếm, Trung ương Cục miền Nam quyết định tổ chức lại chiến trường, sắp xếp lại lực lượng.
Ngày 15/7/1951, Chính phủ ra sắc lệnh số 40-SL ban hành điều lệ tạm thời về thuế nông nghiệp, giảm nhẹ hơn mức đóng đảm phụ trước đây. Do đó đã khuyến khích được nông dân hăng hái sản xuất.
Ngày 23/11/1953 Tỉnh ủy ra Nghị quyết về công tác Nông hội. Nghị quyết chỉ rõ “Hội Nông dân cần phải củng cố Nông hội để thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, phát triển lực lượng vũ trang. Tỉnh ủy chủ trương phải biết lợi dụng tất cả các tổ chức hợp pháp và bán hợp pháp để tổ chức Nông hội. Đồng thời củng cố Nông hội, phải chú ý củng cố cơ sở bán vũ trang và vũ trang”. Cùng với mọi tầng lớp nhân dân, nông dân Bến Tre hăng hái tham gia chuẩn bị và trực tiếp góp sức vào chiến dịch cuối cùng. Nông dân tham gia công tác địch vận, móc nối với binh lính xây dựng thành những cơ sở nội tuyến, cảm tình. Đồng thời tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm, tài chính để nuôi bộ đội.
IV. Phong trào đấu tranh của nông dân và Hội Nông dân giải phóng Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)
1. Nông dân Bến Tre trong đấu tranh chính trị và Đồng khởi (tháng 7/1954 – 1960)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã để lại những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và tổ chức phong trào nông dân. Đây là hành trang để Hội Nông dân và nông dân Bến Tre bước tiếp trên chặng đường mới của lịch sử.
Đảng bộ Bến Tre chủ trương, gấp rút chuyển hướng các tổ chức lãnh đạo, các tổ chức quần chúng cho phù hợp với tình hình mới, hoạt động theo phương châm: giỏi công tác, khéo che giấu lực lượng, biết kết hợp công tác hợp pháp và bất hợp pháp, lợi dụng các hình thức tổ chức và hoạt động hợp pháp để tập hợp và lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
Từ năm 1955, Đảng bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh chuyển hướng qua các khẩu hiệu ôn hòa, thuyết phục, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc, đấu tranh chống “tố cộng”, “diệt cộng”, chống giựt đất, tăng tô, đòi các quyền tự do dân chủ. Phong trào đòi hiệp thương thống nhất đất nước của Bến Tre, trong đó đông đảo là nông dân, nổi lên nguyện vọng hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân, cũng là một đòn tiến công mạnh mẽ vào âm mưu cố tình chia cắt đất nước của Mỹ - Diệm.
Ngày 17/01/1960, nông dân xã Định Thủy bằng vũ khí thô sơ đã nhất tề nổi dậy, khởi động bằng sự kiện tiêu diệt tên Đội Tý, đánh vào tổng đoàn dân vệ Minh Đạt. Chỉ trong 3 ngày 17-20/01/1960 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh hoàn toàn giải phóng. Trong thời gian chống càn quyết, bà con 3 xã đã hết lòng đùm bọc, tiếp tế lương thực cho bộ đội, du kích, nuôi dưỡng thương binh, tìm cách đánh lừa, cầm chân địch cho bộ đội có thời gian chủ động đánh tiêu hao địch và di chuyển. ngày 20/4/1960 địch buộc phải rút quân về, chấm dứt cuộc càn. Khái niệm “Đội quân tóc dài” để chỉ cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ Bến Tre tay không ra đời từ đây, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào Đồng khởi trong tỉnh và khắp các địa bàn nông thôn miền Nam. Trung tuần tháng 4/1960, Tỉnh ủy họp hội nghị mở rộng tại Châu Bình (Giồng Trôm) rút kinh nghiệm 3 tháng chỉ đạo Đồng khởi, bầu đồng chí Nguyễn Thị Định làm Bí thư Tỉnh ủy, cử một đoàn đại biểu lên Khu báo cáo kinh nghiệm Đồng khởi của tỉnh và tiếp thu chỉ đạo của cấp trên.
Đến cuối năm 1960, quân và dân Bến Tre đã giải phóng 51 xã, 21 xã giải phóng một phần, nhân dân làm chủ 300 trên tổng số 500 ấp. Thắng lợi của cuộc Đồng khởi trên toàn miền Nam đã đưa đến sự thành lập của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960. Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi và sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh, nông dân và các lực lượng cách mạng Bến Tre đã vượt qua thời kỳ khó khăn đen tối để bước vào một thời kỳ mới của cách mạng – thời kỳ tiến công và chiến thắng kẻ thù.
2. Phong trào đấu tranh của nông dân Bến Tre góp phần làm phá sản “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1961 – 1968)
Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng. Sự ra đời của tổ chức Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân ở miền Nam, trong đó có Bến Tre. Sau khi thành lập, Hội ra tuyên bố tán thành nội dung tuyên ngôn và chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ. Đồng thời, Hội nhấn mạnh trách nhiệm, quyền lợi của nông dân miền Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Giữa năm 1961, tại nhà ông Tám Giáp xã Châu Bình (Giồng Trôm) Hội Nông dân giải phóng tỉnh Bến Tre được thành lập gồm 09 đồng chí. Hội Nông dân tỉnh tiến hành xây dựng tổ chức Hội cơ sở, ở các xã giải phóng thành lập Ban Chấp hành, ở các xã tranh chấp thành lập Ban cán sự và lập các tổ nông hội ở các xã còn lại bị địch kìm kẹp. Khi có đủ điều kiện thành lập Ban Chấp hành ở huyện.
Tiếp theo trong năm 1963, tiếp tục hoàn tất chương trình bình định. Năm 1964 – 1965 hoàn tất các mục tiêu “chiến tranh đặc biệt” bằng cách chuyển hẳn trọng tâm sang phát triển kinh tế. Tháng 7/1965 Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã ban hành tạm thời “Điều lệ hoạt động của Hội” nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên và động viên nông dân phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều lệ của Hội được Hội Nông dân giải phóng tỉnh, huyện, xã của Bến Tre tiếp thu quán triệt tổ chức thực hiện.
3. Phong trào đấu tranh của nông dân Bến Tre góp phần làm thất bại kế hoạch bình định trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tạo thế tạo lực tiến lên giải phóng quê hương (1969 – 1975)
Tháng 01/1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhằm tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong 8 năm, đồng thời quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch “Bình định cấp tốc” của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Tháng 4/1969 Mỹ ngụy triển khai “Bình định cấp tốc” tỉnh Bến Tre.
Cuối năm 1971, đầu năm 1972 trên cơ sở thế và lực của ta đã phát triển, Trung ương Đảng đã chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược mùa xuân 1972, giáng đòn quyết định vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Cũng vào thời điểm này Hội Nông dân tỉnh mở hội nghị tại vàm Bầu Dung xã Lương Hòa (Giồng Trôm) nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua. Quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, Hội đã phát động nông dân hưởng ứng chiến dịch Xuân - Hè năm 1972. Cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 của quân dân Bến Tre đã giành được thắng lợi to lớn.
Ngày 15/5/1974, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng đã gửi thư kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Bến Tre. Đối với nông dân, bức thư có đoạn viết “tất cả anh chị em nông dân nam, nữ ở cả 3 vùng phát huy lòng yêu nước và truyền thống cách mạng sẵn có, thực hiện tốt đoàn kết nông thôn như một cha, nhà một nóc, tương trợ giúp đỡ nhau trên tình ruột thịt, lá lành dùm lá rách để mỗi người đều có khả năng đóng góp cho công tác cách mạng, bằng tấn công địch bao vây đồn bót, vận động kêu gọi con em bị địch bắt lính lập công hoặc bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng, phá tan hàng ngũ địch. Tham gia phong trào du kích chiến tranh, chống do thám gián điệp, phá kìm kẹp, bung về ruộng vườn cũ khôi phục sản xuất, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền, đưa con cháu tòng quân, đóng góp tài chính, đấu tranh trực diện chống các âm mưu chính sách của địch…”. Tính đến cuối năm 1974, ta đã mở ra được 33 ấp giải phóng hoàn toàn, 21 xã giải phóng cơ bản, 13 xã giải phóng được một số ấp. Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh ở miền Nam và tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.
V. Phong trào nông dân và Hội Nông dân tỉnh Bến Tre khôi phục phát triển sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa (30/4/1975 – 1985)
1. Phong trào nông dân và Hội Nông dân giải phóng miền Nam tỉnh Bến Tre trong khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp (30/4/1975 – 1979)
Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nông dân Bến Tre vui mừng phấn khởi trước niềm vui chung của dân tộc, bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, là tỉnh hẹp người đông, chiến tranh tàn phá nặng nề, Bến Tre phải đương đầu với những khó khăn chồng chất, nông thôn bị bom đạn tàn phá, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội, gây khó khăn cho công cuộc khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nông dân. Quán triệt Nghị quyết số 24 khóa III (tháng 8/1975), Tỉnh ủy Bến Tre xác định nhiệm vụ mới cho toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh là “xây dựng củng cố chính quyền vững mạnh, đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khôi phục và phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân”. Năm 1975, Hội Nông dân tuyên truyền vận động khơi dậy tình làng nghĩa xóm giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra nông dân trong tỉnh còn vận động con em tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự địa phương.
Trong 5 ngày (từ 24-28/7/1977) Hội Nông dân giải phóng miền Nam tỉnh Bến Tre tiến hành hội nghị đại biểu, có 117 đại biểu đại diện cho hơn 33.000 hội viên tham dự. Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Ban trù bị Hội Nông dân tập thể toàn quốc, ông Lê Minh Đào – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre dự chỉ đạo hội nghị. Hội nghị đi sâu phân tích những mặt làm được và chưa được về tổ chức hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà trong 2 năm (1975 – 1976), bàn biện pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ I tỉnh Đảng bộ về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành gồm 13 đồng chí, đồng chí Trương Phú Tứ (Bảy Đạt) – Tỉnh ủy viên làm thư ký, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Năm Cang) làm Phó thư ký.
2. Phong trào Nông dân và Hội Nông dân trong thời kỳ hợp tác nông nghiệp
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã qua 9 kỳ Đại hội
1. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tập thể tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 1982 – 1983): Đã được tổ chức từ ngày 30/11/1981 – 02/12/1981, dự đại hội có 300 đại biểu. Đại hội đã bầu ra 29 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, đồng chí Võ Văn Thiệu (Tư Lực) – Tỉnh ủy viên làm Thư ký, các đồng chí Võ Công Chẩn, Ngô Văn Huệ (Út Chỉnh) làm Phó thư ký. Năm 1980, Tỉnh ủy điều động đồng chí Lê Văn Sang (Hùng Kháng) - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, sang bầu bổ sung làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Đại hội đã xác định một số mục tiêu cụ thể như: Tăng cường giáo dục những nội dung cơ bản về cải tạo xã hội chủ nghĩa về đoàn kết công nông trong tình hình mới. Phát huy tinh thần làm chủ tập thể với truyền thống cần cù lao động, ý thức tự lực tự cường của hội viên, nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển sản xuất nông nghiệp trong 2 năm (1982 – 1983). Đẩy mạnh xây dựng bộ máy Hội các cấp, nhất là tổ Hội, chi Hội vững mạnh.
2. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tập thể tỉnh lần thứ II (nhiệm kỳ 1984 – 1987): Đã được tổ chức vào ngày 20/4/1984, Đại hội đã bầu ra 33 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội (trong đó có 13 chuyên trách), đồng chí Lê Văn Trò (Chín Quang) - Tỉnh ủy viên được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Lê Văn Sang (Hùng Kháng) và Trần Văn Lứ (Tám Lứ) làm Phó Chủ tịch.
Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1984 – 1987 trong đó trọng tâm là củng cố tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt trong các phong trào nông dân, tập trung củng cố phát triển hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, thực hiện mục tiêu hoàn thành cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp trong năm 1985 theo Nghị quyết Tỉnh ủy.
3. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ III (nhiệm kỳ 1987 – 1990): Đã được tổ chức vào giữa tháng 8/1987, có gần 200 đại biểu chính thức tham dự, Đại hội đã bầu ra 31 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, 09 đồng chí Ban Thường vụ do đồng chí Nguyễn Văn Bảy (Bảy Phong) làm Chủ tịch, đồng chí Trần Văn Lứ và Lê Văn Tâm (Thanh Liêm) làm Phó Chủ tịch, khi đồng chí Trần Văn Lứ nghỉ hưu, Nguyễn Văn Phò (Bảy Hồng) được cử làm Phó Chủ tịch. Trong Ban Chấp hành có 13 Ủy viên chuyên trách công tác Hội, 08 đồng chí là Chủ tịch Hội ở các huyện, thị xã, 05 cán bộ chủ chốt ngành tỉnh có liên quan với phong trào nông dân là ủy viên kiêm chức và 3 ủy viên Chủ tịch xã nằm ở 03 khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Đại hội thống nhất đề ra yêu cầu nhiệm vụ chung cho nhiệm kỳ tới là “tăng cường học tập chính trị và nâng cao trình độ mọi mặt cho hội viên, nông dân; Nâng cao chất lượng các tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn là tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống nông dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Ra sức xây dựng tổ chức Hội Nông dân tập thể vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Nhằm tôn vinh sự cống hiến và phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ đất nước; ngày 17/01/1991 Bộ Chính trị đã ra quyết định lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
4. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ IV (nhiệm kỳ 1992 – 1997): Đã được tổ chức vào đầu tháng 9/1992, có 250 đại biểu tham dự, Đại hội đã bầu ra 29 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, 09 đồng chí Ban Thường vụ do đồng chí Nguyễn Ngọc Đáng (Chiến Đấu) - Tỉnh ủy viên làm Chủ tịch, các đồng chí Lê Thanh Liêm (Ba Liêm), Nguyễn Văn Phò (Bảy Hồng) làm Phó Chủ tịch.
Đại hội khẳng định cần phải nhanh chóng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, phù hợp với thực tiễn tình hình, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng. Để phù hợp với yêu cầu thực tế, Hội Nông dân đưa ra 2 hình thức hợp tác mới đó là “Tổ nghề nghiệp” và “Tổ tương trợ” với quy mô từ 20 – 30 hộ, nhằm tập hợp nông dân có cùng nghề nghiệp vào tổ chức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và vay vốn phát triển sản xuất.
5. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ V (nhiệm kỳ 1998 – 2003): Đã được tổ chức từ ngày 16/6/1998-17/6/1998, tại Hội trường lớn của Ủy ban nhân dân tỉnh, có 241 đại biểu thay mặt cho 75.000 hội viên nông dân tham dự. Đến dự chỉ đạo Đại hội có đồng chí Trần Văn Truyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Văn Be – Phó Bí thư Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đại hội đã bầu ra 28 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, 09 đồng chí Ban Thường vụ do đồng chí Nguyễn Ngọc Đáng (Chiến Đấu) - Tỉnh ủy viên tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch, các đồng chí Nguyễn Văn Phò (Bảy Hồng) và Vũ Trọng Ban được bầu làm Phó Chủ tịch. Đến tháng 4/2001, Ban Chấp hành bầu đồng chí Hồ Vĩnh Sang - Tỉnh ủy viên giữ chức Chủ tịch Hội, thay đồng chí Nguyễn Ngọc Đáng nghỉ hưu.
Tại Đại hội Hội Nông dân được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng 2 cho Hội Nông dân và phong trào nông dân trong tỉnh, đón nhận 2 Huân chương lao động hạng 3 cho Hội Nông dân và phong trào nông dân huyện Ba Tri và cá nhân đồng chí Nguyễn Ngọc Đáng do Chủ tịch nước phong tặng. Ngoài ra còn trao tặng 04 bằng khen của Chính phủ cho các tập thể và cá nhân. Tặng 184 kỷ niệm chương “vì giai cấp nông dân”, 160 bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho các cá nhân có nhiều công sức đóng góp cho phong trào nông dân.
Đồng chí Trần Văn Truyền thay mặt Tỉnh ủy tặng bức trướng cho Hội Nông dân và nông dân trong tỉnh. Bức trướng mang 16 chữ:
“Nông dân Bến Tre
Đoàn kết – thi đua – sáng tạo
Xây dựng nông thôn giàu đẹp”
Đại hội đã thống nhất đề ra phương hướng hoạt động của 05 năm tới là: “động viên tầng lớp nhân dân đoàn kết, tương trợ, hợp tác, phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo, truyền thống tốt đẹp, tiến hành cuộc “Đồng khởi mới”, ra sức lao động sản xuất, cần kiệm xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới, người nông dân mới, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Đẩy mạnh kiện toàn xây dựng bộ máy Hội vững mạnh toàn diện.
6. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ VI (nhiệm kỳ 2003 - 2008): Đã được tổ chức từ ngày 4/6/2003-5/6/2003, có 265 đại biểu thay mặt cho 104.283 hội viên nông dân tham dự. Đến dự chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Hữu Mai – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Huỳnh Văn Be – Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu ra 33 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, 11 đồng chí Ban Thường vụ do đồng chí Lê Văn Thắng – Tỉnh ủy viên được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Phò, Bùi Quang Tạo và Huỳnh Thị Nguyệt Yến được bầu làm Phó Chủ tịch.
Đại hội xác định nội dung trọng tâm thực hiện là: “Phát huy hơn nữa thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn yếu kém, ra sức xây dựng Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh về mọi mặt, tiếp tục đổi mới hơn nữa về nội dung phương thức hoạt động để thực hiện vai trò nồng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động nông dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ở tỉnh nhà đến năm 2005 và 2008. Khẩu hiệu định hướng cho công tác Hội và phong trào nông dân trong 5 năm tới là “Nông dân Bến Tre đoàn kết, thi đua sáng tạo, xây dựng nông thôn giàu đẹp”.
Để công nhận những đóng góp của các cấp Hội trong tỉnh, đã được Chính phủ tặng 1 Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương lao động hạng 3, Trung ương Hội tặng 262 bằng khen, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 162 bằng khen, Hội Nông dân tỉnh tặng 162 giấy khen, 710 cá nhân được tặng kỷ niệm chương vì giai cấp nông dân Việt Nam.
7. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ VII (nhiệm kỳ 2008 - 2013): Đã được tổ chức từ ngày 15/7/2008-16/7/2008, có 272 đại biểu thay mặt cho 190.000 hội viên nông dân tham dự. Đến dự chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lê Hoàng Minh – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Trần Văn Cồn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu ra 35 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, 09 đồng chí Ban Thường vụ do đồng chí Lê Văn Thắng – Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VI tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VII. Các đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bùi Quang Tạo và Nguyễn Văn Trung được bầu làm Phó Chủ tịch. Đến tháng 5/2011, Ban Chấp hành bầu đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch giữ chức vụ Chủ tịch Hội, thay đồng chí Lê Văn Thắng nghỉ hưu theo chính sách. Đến tháng 7/2012 đồng chí Lê Văn Gặp được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội, thay đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa chuyển công tác.
Với kết quả đạt được 5 năm qua, tập thể và cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nông dân (Thành Phố Bến Tre), 01 Cờ thi đua Chính phủ, 14 bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho 03 tập thể và 11 cá nhân, 01 cờ thi đua và 75 bằng khen Trung ương Hội cho 65 tập thể và 10 cá nhân về công tác Hội, phong trào nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 01 Cờ thi đua, 126 bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh và 264 bằng khen Hội Nông dân tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, nông dân.
Đại hội đã đề ra phương hướng chung 05 năm (2008 – 2013) là: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng Hội Nông dân tỉnh Bến Tre vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế thế giới, tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao vai trò đại diện chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân”.
8. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2013 - 2018): Đã được tổ chức từ ngày 10/4/2013-11/4/2013, có 295 đại biểu thay mặt cho 232.710 hội viên nông dân tham dự. Đến dự chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Hồng Lý – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu ra 39 Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, 13 đồng chí Ban Thường vụ do đồng chí Lê Văn Gặp – Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VII tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VIII. Các đồng chí Bùi Quang Tạo, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thị Kim Nguyệt và Võ Văn Chiến được bầu làm Phó Chủ tịch. Đến tháng 12/2015, Ban Chấp hành bầu đồng chí Đoàn Văn Đảnh, Tỉnh ủy viên – giữ chức vụ Chủ tịch Hội, thay đồng chí Lê Văn Gặp chuyển công tác.
Với kết quả đạt được 05 năm qua, tập thể và cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh vinh dự được Trung ương Hội tặng 01 cờ thi đua (huyện Chợ Lách); Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 10 tập thể, 17 cá nhân; Bằng khen Trung ương Hội cho 37 tập thể, 68 cá nhân; Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho 11 tập thể, 26 cá nhân; Bằng khen của Hội nông dân tỉnh cho 326 tập thể, 607 cá nhân và 717 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”.
Phương hướng công tác Hội và phong trào nông dân khóa VIII, nhiệm kỳ (2013 – 2018) là: Phát huy tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Chủ động – Hội nhập – Phát triển bền vững” vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
9. Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018 - 2023):
Đã được tổ chức từ ngày 25/9/2018-26/9/2018, có 291 đại biểu thay mặt cho 131.488 hội viên nông dân tham dự. Đến dự chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lương Quốc Đoàn – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Trần Ngọc Tam – Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Đại hội đã bầu ra 32/33 Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (khuyết 01 đồng chí), 09 Ủy viên Ban Thường vụ do đồng chí Đoàn Văn Đảnh – Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VIII tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa IX. Các đồng chí Võ Văn Chiến, Lao Văn Trường và Đoàn Văn Phúc được bầu làm Phó Chủ tịch. Đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Cao Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bức tranh Bác Hồ gặt lúa cùng nông dân tại Đại hội.
Đại hội thống nhất đề ra nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền vận động nông dân tham gia kinh tế hợp tác thông qua các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng giai cấp nông dân thật sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tích cực tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhất là nâng cao đời sống văn hóa cho hội viên nông dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” trong cán bộ, hội viên nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Với tinh thần ”Đoàn kết, dân chủ, phát triển” Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bến Tre lần thứ IX kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh phát huy truyền thống của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, đoàn kết thi đua thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ (2018 - 2023) góp phần xây dựng tỉnh Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh./.