Site banner
Thứ năm, 12. Tháng 9 2024 - 9:58

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Hội Nông dân xã An Thuận xây dựng mô hình Dân vận khéo cấp huyện năm 2023

Ấp An Ninh A xã An Thuận có diện tích tự nhiên là 240 ha, 367 hộ với 1.650 nhân khẩu ấp có 13 Tổ NDTQ. Đời sống kinh tế của bà con hội viên nông dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp như trồng lúa kết hợp với nuôi tôm, một số ít hộ kinh doanh dịch vụ khác, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ thu nhập người nông dân thấp. Ấp có diện tích nuôi trồng thủy sản khá rộng, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm càng xanh, cua. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa được bà con nông dân áp dụng và dần trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của người nông dân.

Theo nhận định của các ngành chức năng tình hình xâm nhập mặn trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ còn diễn biến phức tạp. Vấn đề thách thức đặt ra là làm sao để người nông dân tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa và đây cũng là mô hình được lãnh đạo địa phương xác định là mô hình kinh tế mang tính bền vững. Trước những yêu cầu thực tế trên, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân xã đã đăng ký mô hình Dân vận khéo “Vận động hội viên, nông dân ấp An Ninh A tham gia mô hình “Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực” với 09 thành viên. Nhằm giúp cho bà con hội viên nông dân tìm ra giải pháp để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Chót, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thuận cho biết: “Xác định việc xây dựng mô hình trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết và cần phải triển khai thực hiện góp phần cải thiện đời sống cho bà con hội viên, nông dân, góp phần thực hiện đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng xã nông thôn mới. Ban Thường vụ Hội Nông dân xã thành lập Ban Vận động kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia. Mục tiêu của mô hình muốn hướng đến đó là vận động hội viên và người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn đã và đang diễn ra thực tế tại địa phương”.

 Cụ thể, đối với giống lúa sử dụng giống lúa ngắn ngày, khả năng chịu mặn cao nhưng vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng; đối với tôm càng xanh là sử dụng hoàn toàn giống tôm càng xanh toàn đực, các hộ tham gia mô hình đều phải có ao ương để nuôi trong giai đoạn từ 0-3 tháng đầu sau đó mới đưa ra ngoài ao nuôi rút ngắn thời gian và đạt năng suất cao. Nhưng thực tế trước khi thực hiện mô hình, người nông dân sử dụng các loại giống lúa có thời gian sinh trưởng trung bình từ 90-100 ngày, có hộ còn sử dụng giống lúa mùa địa phương lên đến 150 ngày; riêng đối tượng tôm càng xanh, bà con nông dân sử dụng loại giống tôm thường được sản xuất tại các trại giống trong và ngoài huyện với hình thức nuôi không sử dụng ao ương nên thời gian nuôi kéo dài (từ 10-12 tháng), năng suất thấp và giá cả không cao. Mặc khác, các hộ được chọn tham gia mô hình bước đầu không đồng tình việc đầu tư đào ao ương tôm trong giai đoạn đầu cũng như sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực với một số lý do như chi phí đầu tư cao, ao ương chiếm diện tích khoảng từ 600-1000 m2 của ao nuôi. Bên cạnh đó các hộ đã quen việc canh tác các loại giống lúa trước đây nên cũng lo lắng khi thay đổi giống khác. Do đó bước đầu triển khai vận động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm thực hiện thành công mô hình, Ban vận động thành lập tổ để đi vận động. Trong các cuộc họp Ban vận động có mời cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông- khuyến ngư huyện cùng tham dự và phân tích hiệu quả cũng như sự cần thiết của việc thực hiện mô hình trong điều kiện xâm nhập mặn như hiện nay. Sau nhiều lần vận động nhiều hộ đều hiểu và đồng ý tham gia mô hình.

Ảnh: Tổ hợp tác "Nuôi tôm càng xanh toàn đực" vào vụ thu hoạch

Trong quá trình thực hiện mô hình, Hội Nông dân đã đề nghị với các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung Khuyến nông và Dịch vụ tư vấn nông nghiệp huyện tổ chức các cuộc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực và kỹ thuật trồng lúa cho các hộ tham gia mô hình và 121 hộ ngoài mô hình. Nhờ được tham gia các cuộc tập huấn mà đến nay các hộ tham gia mô hình đã nắm vững được quy trình nuôi cũng như quy trình canh tác lúa. Ngoài ra, để tạo niềm tin cho các hộ dân trong tổ hợp tác trong việc thực hiện mô hình, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện và các ngành liên quan hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn “Canh tác lúa theo hướng hữu cơ”. Thông qua việc thực hiện mô hình, các hộ được hỗ trợ 70% chi phí tạo động lực và sự an tâm cho các hộ trong việc tiếp cận với những “cách làm mới”. Theo đó, Ban vận động liên hệ với cơ sở thu mua đảm bảo trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho con tôm. Qua kiểm tra đánh giá của các hộ tham gia mô hình tỷ lệ sống của tôm đạt 75%, dự kiến năng suất bình quân của mô hình 0,6 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận ước đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha/hộ.

Từ hiệu quả mô hình đã tác động tích cực đến thu nhập của hội viên và nông dân. Hiện mô hình này có 5 thành viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới năm 2023. Qua đây, các hộ tham gia mô hình đã đồng tình thống nhất thành lập Tổ hợp tác “Nuôi tôm càng xanh toàn đực” ấp An Ninh A, xã An Thuận đúng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW, ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá VII về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025” và được Ban Dân vận Huyện uỷ Thạnh Phú kiểm tra công nhận đạt mô hình Dân Vận khéo cấp huyện năm 2023. 

Đồng chí Võ Thị Thơ, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Thạnh Phú nhận xét: “Tính khéo của mô hình này là giúp cho hội viên nông dân tiếp cận được các làm mới, quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao mà trước đây chưa từng có. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt đòi hỏi người nông dân phải tìm ra giải pháp để tận dụng thế mạnh của địa phương mà cụ thể là mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa đạt được hiệu quả cao nhất”.

Nguyễn Linh, CTV