Ngày 28/02/2025, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị thảo luận thống nhất các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bàn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Võ Văn Chiến - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Trần Dương Thuấn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Võ Văn Nam – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đồng chí Nguyễn Chánh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp – Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng đại điện lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố.
Quang cảnh hội nghị
Theo báo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre, hiện nay tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen hiện tại là 355,71 ha. Diện tích phục hồi trong năm 2025 là 137,03 ha, phân bổ ở huyện Ba Tri, thành phố Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Bình Đại và Thạnh Phú. Thời gian qua các ngành chức năng đã phối hợp với các huyện đã phóng thích 5.200.000 con ong ký sinh trên địa bàn tỉnh, lũy kế đã phóng thích 35.400.000 con ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng “Biện pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa” đến người nông dân; đề xuất nhiều giải pháp phát hiện và phòng trừ sâu đầu đen, đặc biệt thực hiện chiến lược phòng trừ tổng hợp, kết hợp giữa biện pháp sinh học, cơ giới và hóa học. Trong đó, ưu tiên sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu hại, đẩy mạnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật xử lý bằng biện pháp thủ công như cắt tỉa, tiêu hủy lá nhiễm sâu, đồng thời nghiên cứu giải pháp thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Năm 2025 chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cũng đặt mục tiêu sẽ nhân nuôi khoảng 180 triệu con ong ký sinh thả ra môi trường.
Đại biểu phát biểu thảo luận
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Bàn đề nghị thời gian tới Hội Nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân phát hiện sớm, chủ động phòng trừ dịch bệnh theo hướng bền vững ở những vùng trọng điểm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm và biết về tình hình, diễn biến của sâu đầu đen hại dừa, áp dụng các biện pháp phòng trị, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng tại các địa phương trong triển khai “Biện pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa”.