Qua tìm hiểu thực tế một số mô hình sản xuất cây ăn trái, trong đó có sầu riêng tại Thái Lan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Giữa Bến Tre và nước bạn có nhiều điểm tương đồng. Bến Tre cần học tập kinh nghiệm của Thái Lan trong cách sản xuất để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sầu riêng tại địa phương, hướng đến xây dựng thương hiệu.
Ảnh: Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cùng một số nông dân trồng sầu riêng của tỉnh tìm hiểu thực tế các mô hình trồng sầu riêng tại Thái Lan.
Đầu tư khâu sản xuất
Một số điểm tương đồng có thể kể đến là nghề sản xuất sầu riêng lâu năm. Những người sản xuất đều có kinh nghiệm thực hành tốt từ khâu giống, sản xuất đến thu hoạch và được trang bị tốt các giải pháp kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sản xuất giống. Giống sầu riêng giữa ta và nước bạn cũng có nhiều tương đồng và họ có những giống đặc trưng riêng của địa phương.
Về khác biệt rõ nhất, Bến Tre là vùng đất giàu phù sa nên thuận lợi sản xuất sầu riêng đạt chất lượng, năng suất cao hơn và hương vị tự nhiên cũng có đặc trưng riêng so với nước bạn.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho rằng: Kinh nghiệm trong khâu trồng mà nông dân chúng ta cần học tập, chia sẻ đó là quan tâm sản xuất, sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn các loại phân thuốc hóa học. Tận dụng các loại phân chuồng có rất nhiều tại địa phương như: phân bò, heo, gà để ủ hoai, kết hợp nấm ủ trichoderma, thậm chí có thể kết hợp tro, trấu, mụn dừa... Lưu ý, sử dụng phân hữu cơ từ khâu làm bầu đất ươm giống đến khâu trồng và sử dụng bón thường xuyên cho cây trong suốt quá trình cây sinh trưởng đến thu hoạch, nhằm giúp tạo nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây hấp thu, phát triển tốt, đất luôn được cải tạo, giàu dưỡng chất cho cây trồng. Cách làm này vừa giúp giảm giá thành sản phẩm, vừa tạo năng suất ổn định cao và đạt chất lượng tốt hơn.
Có thể nói, giải pháp người trồng sầu riêng Thái Lan quan tâm để tạo chất lượng tốt cho trái sầu riêng là chỉn chu từ khâu làm phân bón, kiểm soát nước đến cả giai đoạn thu hoạch trái. Ở đây, cơ quan nhà nước giám sát việc thu hoạch trái sầu riêng, có quy định độ tuổi già của trái. Thú vị hơn, mặc dù là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu của thế giới nhưng họ rất chú trọng tiêu thụ tại thị trường nội địa và rất quan tâm chăm sóc khách hàng trong nước, kể cả có hướng dẫn chi tiết cách tách vỏ trái sầu riêng và thời gian nào tách để ăn là ngon nhất…
Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) Nguyễn Thị Thinh cho biết: Qua tìm hiểu, nhận thấy nông dân Thái Lan rất chú trọng thực hành tốt các kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái, nhất là đối với cây sầu riêng, từ khi còn là cây con đến cây trưởng thành cho trái và giai đoạn thu hoạch. Một số kinh nghiệm rất hay nhưng dễ học tập và thực hiện như về phòng trị sâu bệnh, cách tỉa cành tạo tán, thời gian thu hoạch trái… Trong đó, ấn tượng nhất là việc thu hoạch trái sầu riêng phải được sự kiểm định và cho phép của chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo trái được thu hoạch đúng độ tuổi và đảm bảo chất lượng trước khi bán ra thị trường, đến tay người tiêu dùng. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức về chất lượng nông sản của người nông dân và tạo niềm tin cho cả người tiêu dùng.
HTX Nông nghiệp Tân Phú hiện có diện tích trồng sầu riêng trên 800ha, trong đó có trên 500ha đang cho trái. Năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha/năm. Hiện HTX đã xây dựng thành công và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với diện tích 200ha. Được biết, Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý sầu riêng Bến Tre. HTX Nông nghiệp Tân Phú đang khai thác chỉ dẫn địa lý và sản phẩm sầu riêng của HTX cũng đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bước đầu khẳng định chất lượng và xây dựng niềm tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, đối với tỉnh, mặc dù quy mô vùng trồng không lớn, tập trung tại một số xã tại hai huyện Châu Thành và Chợ Lách nhưng có nhiều lợi thế nổi bật là đa dạng chủng loại, trong đó có nhiều giống sầu riêng được thị trường đánh giá cao như: chuồng bò, Ri6. Người trồng cần chú ý các giải pháp phát huy tiềm năng, đẩy mạnh liên kết hợp tác trong sản xuất, nâng cao chất lượng và tạo vùng sản xuất tập trung, nâng cao sản lượng nông sản vùng trồng. Doanh nghiệp tiêu thụ cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Bến Tre, chú ý khai thác thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nông dân tỉnh có kỹ thuật rải vụ trái sầu riêng nên có thể cung cấp sầu riêng quanh năm.
Liên quan về định hướng phát triển nông sản chủ lực, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã triển khai đến nay 2 năm rưỡi. Đây là chủ trương đúng đắn và việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng là rất phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững. Do đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung này, xem đây là nhiệm vụ chiến lược trong tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các địa phương, ban ngành, đoàn thể cùng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương.
“Từ nhận thức về cách thức trong sản xuất nông nghiệp của nước bạn, cho thấy chúng ta rất cần học tập ở họ sự chỉn chu, nghiêm túc từ khâu sản xuất đến thu hoạch. Từ đó, ứng dụng, nâng cao chất lượng sầu riêng của tỉnh, cũng như cách để làm ra trái cây ngon, đáp ứng yêu cầu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng kể cả trong và ngoài nước. Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, thời gian tới, chúng tôi có thể hợp tác, liên kết cung ứng sầu riêng cho chuỗi cung ứng của CP Việt Nam”. (Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú Nguyễn Thị Thinh) |