Site banner
Thứ năm, 12. Tháng 12 2024 - 14:02

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Gương phụ nữ vượt khó nhờ vốn vay

Từ hai bàn tay trắng, là gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của xã, nhưng với nghị lực của bản thân, cùng đức tính cần cù, chăm chỉ, chị Lê Thị Hồng Châu, sinh năm 1978 đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện để xây chuồng nuôi Bò, Dê từng bước vượt khó, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chị Lê Thị Hồng Châu chia sẻ: Hai vợ chồng chị cưới nhau đến khi ra riêng, cha mẹ hai bên đều khó khăn nên chỉ cho đôi vợ chồng trẻ miếng đất 1.100 m2 cất tạm căn nhà để ở. Thời điểm đó, cả hai vợ chồng chưa có công ăn việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy, kiếm sống qua ngày, nên cuộc sống của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn.  

Vào năm 2012 chồng chị Châu bị tai nạn lao động qua đời, để lại cho  04 người con trai còn nhỏ độ tuổi ăn học; chị vất vả lao động tần tảo nuôi con hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhờ sự quan tâm của chính quyền ấp Phong Điền, xét gia đình chị vào diện thuộc hộ nghèo; Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã Lương Hoà đã hướng dẫn cho cô vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Giồng Trôm theo chương trình vay vốn hộ  nghèo với số tiền: 40 triệu đồng, chị đầu tư vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi 01 con Bò và 02 con Dê, dần dần phát triển lên được 7- 8 con Dê nái và thịt, con Bò Chị Châu mua về nuôi đến 02 năm sau mới sinh sản Bò con.

Sau khi trả xong 40.000.000 đồng cho Ngân hàng chị Châu tiếp tục vay 70.000.000 đồng chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện để mua thêm 02 con bò nái và sữa chửa lại chuồng trại, hàng tháng Chị gửi tiết kiệm và đóng lãi đúng quy định.

Chị Lê Thị Hồng Châu cho biết thêm: “Hiện tại, giá Bò, Dê đang xuống thấp nhưng chị Châu tiếp tục duy trì 02 con Bò với 04 con dê mẹ sinh sản, nếu giá bán như trước đó giao động từ 90.000 đồng/kg đến 120 ngàn đồng/kg trở lên, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, chủ yếu lấy công làm lời”.

Cũng theo ước tính của chị Châu, ngoài nguồn thu nhập từ chăn nuôi Bò, Dê, tranh thủ sắp xếp thời gian chị xin vào làm phụ bán quán trà sửa của người quen tại địa phương. Tổng thu nhập hàng năm của chị đạt khoảng 100 triệu đồng.

Có lẽ những vất vả, cực nhọc của người mẹ đã cho các con chị thấu hiểu nỗi lòng mẹ, các em đã cố gắng nỗ lực học tập hết mình để mẹ vui lòng. Giờ đây các con của chị đã thực sự trưởng thành, đứa con lớn Thái Gia Long sinh năm 2001, khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đã đăng ký đi hợp tác lao động bên nước Nhật gửi tiền về phụ mẹ lo cho gia đình, đứa con kế Thái Gia Huy sinh năm 2003 tham gia xây dựng quân đội năm 2022 còn 02 người con nhỏ đang đi học.

Chị Lê Thị Hồng Châu tâm huyết thoát nghèo bằng nghề chăn nuôi

Hiện tại, cuộc sống gia đình chị Châu đã khá và ổn định hơn, gia đình chị vừa xây xong ngôi nhà cấp 4 khang trang, có điều kiện để lo cho các con đi học, được học hành tốt hơn. Đồng thời, gia đình chị Châu đã được UBND xã Lương Hoà công nhận thoát nghèo bền vững từ năm 2024.

Bà Lê Thị Hương Trưởng ấp Phong Điền, xã Lương Hoà cho biết: “trước kia thì gia đình của chị Châu là hộ nghèo của ấp, dù cuộc sống khó khăn, nhưng không vì thế mà trông chờ hay ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước,Chị cần cù, chịu khó vươn lên phát triển kinh tế từ chính sức lực của mình, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững của địa phương”.

Để giúp nông dân từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo cũng đã được triển khai tích cực trên địa bàn xã Lương Hoà, như: Tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội, chính sách dạy nghề, đào tạo việc làm cho người nghèo, phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, hỗ trợ  đề án  sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… Với sự quan tâm lãnh đạo, đồng hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, bộ mặt nông thôn địa phương đang ngày càng khởi sắc.

 Để hỗ trợ bà con nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giồng Trôm đã kịp thời giải ngân nguồn vốn, phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp bà con hộ nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, thu nhập ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Sự cần cù, chịu khó, với ý chí dám nghĩ, dám làm, đến nay mô hình nuôi Bò, Dê của chị Lê Thị Hồng Châu từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giồng Trôm là một trong những mô hình có hiệu quả trong phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. 

Chị Lê Thị Hồng Châu là tấm gương sáng về ý chí, tinh thần cần cù chịu khó trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững của địa phương.

Võ Hải, HND xã Lương Hoà