Site banner
Thứ năm, 12. Tháng 12 2024 - 14:01

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Gương nông dân học tập và làm theo Bác

Đó là ông Đoàn Văn Kiệt, sinh 1957, là hội viên Hội Nông dân, Tổ nhân dân tự quản số 3, ấp Long Hội, xã Long Định, huyện Bình Đại.

Ông Đoàn Văn Kiệt được chọn phát biểu tại hội nghị tuyên dương điển hình cấp huyện.

Qua sinh hoạt chi hội, tổ nhân dân tự quản, ông được tiếp thu đầy đủ Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, ông xác định nội dung cần học tập và làm theo Bác là tác phong gương mẫu, gần dân, sát dân, vì dân, luôn “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, “làm việc khoa học” không chỉ có cán bộ, đảng viên mà mỗi người phải có ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện từ trong gia đình đến xã hội.

Tích cực tham gia sản xuất

Là một hội viên nông dân, bản thân ông luôn tiên phong, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, xây dựng nông thôn mới.

Với mong muốn góp một phần công sức để xây dựng quê hương Long Định ngày càng giàu đẹp, ông đã tích cực tham gia phát triển kinh tế. Ông mạnh dạn cải tạo gần 0,5ha nhãn đã lão hóa, năng suất thấp chuyển sang trồng bưởi da xanh - một trong những cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Ngoài ra, ông còn thuê thêm 0,5ha để trồng bưởi da xanh, hiện vườn bưởi được 2,5 năm tuổi.

Để đạt hiệu quả cao, bản thân ông đã nghiên cứu, đọc nhiều sách báo, tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức để đúc kết kiến thức và từ kinh nghiệm của bản thân, chọn lọc, áp dụng các kỹ thuật phù hợp trong trồng trọt. Hiện vườn bưởi da xanh của ông đang phát triển tốt, thu lợi trung bình trên 300 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).

Chăm lo cho xã hội

Chăm lo kinh tế gia đình ổn định, ông lại nghĩ đến nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Nhìn thấy con đường dài gần 420m trong xóm ngày càng xuống cấp, bà con và các cháu học sinh đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, ông suy nghĩ ngay đến sự cần thiết xây một con đường bê-tông. Đã nghĩ thì phải làm. Ông mạnh dạn bàn bạc với Ban vận động ấp Long Hội để vận động kinh phí trong dân. Do kinh tế của bà con trong xóm còn hạn chế nên Ban vận động ấp thống nhất chia làm 3 giai đoạn để thi công tuyến đường. Bản thân ông cùng Ban vận động ấp đến từng hộ gia đình trong xóm để tuyên truyền, vận động sức người, sức của chung tay thi công con đường. Thời gian đầu gặp khó khăn, nhưng nhờ sự kiên trì và quyết tâm của ông, bà con rồi cũng hiểu và cùng nhau thực hiện. Ông vận động tổ viên mỗi tháng đóng góp 100 ngàn đồng. Nhờ sự quen biết, ông vận động thêm các mạnh thường quân ở trong và ngoài huyện với phương châm “góp gió thành bão”. Đến nay, đoạn đường đã thực hiện 2 giai đoạn với chiều dài gần 300m, tổng chi phí 80 triệu đồng và 37 ngày công lao động. Hiện Ban vận động ấp đang tiếp tục vận động hoàn thành 120m còn lại (giai đoạn 3), góp phần vào thực hiện tiêu chí nông thôn mới của xã Long Định.

Ngoài chăm lo kinh tế gia đình, ông không quên việc giáo dục con cháu, phải chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dạy dỗ con cháu phải biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thân mật, gần gũi với láng giềng, xứng đáng là người con ngoan, trò giỏi theo lời dạy của Bác Hồ.

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, gia đình ông nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa. Bản thân ông được hội bầu chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, được UBND xã và huyện tặng giấy khen trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Thanh Lâm - baodongkhoi.vn