Site banner
Thứ năm, 12. Tháng 9 2024 - 10:06

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế tập thể

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Châu Thành tích cực thi đua thực hiện tốt phong trào kinh tế hợp tác, huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên nông dân.

Mô hình kinh tế hợp tác

Hiện nay diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện là 7.711 ha, trong đó diện tích thu hoạch khoảng 6.560 ha, sản lượng khoảng 17.200 tấn. Đầu tư theo hướng thâm canh các loại cây ăn trái đặc sản của huyện như: Chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh; đa số nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng an toàn với bảo vệ môi trường; phát triển mô hình theo hình thức hợp tác gắn với thị trường tiêu thụ.

Thực hiện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030” mở ra hướng đi phù hợp cho việc thực hiện tiêu chí xây dựng Nông thôn mới về xây dựng mô hình kinh tế tập thể và phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã bước đầu có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, ổn định xã hội, tạo sự đoàn kết gắn bó tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Để giúp cho mô hình kinh tế huyện nhà tiếp tục phát triển, Hội Nông dân huyện đã vận động nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất từ tổ liên kết sản xuất lên tổ hợp tác theo Nghị định 77/CP góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tạo ra số lượng lớn để liên kết thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Đến nay, toàn huyện có 76 tổ hợp tác theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP, trong đó có 58 THT (Tổ hợp tác) Trồng trọt, 16 THT Chăn nuôi, 01 THT sản xuất Khô, 01 THT sản xuất nem chay và 15 HTX (Hợp tác xã) nông nghiệp với 2.519 thành viên đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn điều lệ 12.298 triệu đồng.

Ảnh: Đại diện HTX Nông nghiệp Tân Phú báo cáo kết quả hoạt động với đoàn khảo sát Trung ương HND Việt Nam năm 2023

Về xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, Hội Nông dân từ huyện đến các Chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như: chuỗi dừa, bưởi da xanh, chôm chôm. Qua đó, hai chuỗi bưởi da xanh và chôm chôm đã hình thành chuỗi khá rõ và đang trong quá trình tích tụ diện tích, sản lượng và độ liên kết, trong đó: Chuỗi bưởi da xanh: diện tích tham gia chuỗi toàn huyện đã có 178/3.573 ha. Sản lượng tham gia chuỗi 1.691/33.943 tấn với 24 tổ hợp tác, HTX tham gia. Trong đó, diện tích bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 42,8/3.573ha. Chuỗi chôm chôm: diện tích tham gia chuỗi là 18,09/1.206 ha, sản lượng 343,71/22.914 tấn. Diện tích tham gia thực hành VietGAP đạt 39,8/1.206ha, chiếm 3,3%. Sản phẩm chôm chôm đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng 06 mã code vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu.

Tuy nhiên, việc đổi mới xây dựng các hình thức sản xuất, dịch vụ và xây dựng chuỗi giá trị ở nông thôn còn nhiều hạn chế: quy mô nhỏ bé, khó khăn, lúng túng trong sản xuất kinh doanh, lợi nhuận thấp, sự liên kết của tổ hợp tác, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện thị trường hiện nay.

Những giải pháp hướng tới

Thứ nhất, Hội Nông dân huyện tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hợp tác nhằm tập hợp rộng rãi bà con nông dân, những người lao động, các hộ kinh tế gia đình, kinh tế cá thể, các cơ sở sản xuất nhỏ trong các lĩnh vực ngành nghề tham gia vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tạo điều kiện và nâng cao vị thế của họ trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập.

Thứ hai, phối hợp củng cố phát triển các Tổ hợp tác, HTX phải trên cơ sở tập hợp liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế và bảo đảm đúng nguyên tắc, bản chất và giá trị HTX, chú trọng công tác tổng kết, xây dựng và phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình kinh tế hợp tác, HTX mới.

Thứ ba, tích cực tham mưu đề xuất để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hiện có, thường xuyên định hướng tiến tới xây dựng các THT, HTX nông nghiệp.

Thứ tư, Hội cần bám sát chức năng, nhiệm vụ để triển khai đồng bộ các mặt công tác, gắn chặt các hoạt động với các HTX, các thành viên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của HTX và thành viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế hợp tác phải thực sự có năng lực, phẩm chất, toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp phát triển kinh tế hợp tác.

Thời gian quan, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã ra sức thi đua thực hiện tốt phong trào kinh tế hợp tác, huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên nông dân.

Trọng Nhân