Tháng 6/2018, tổ hội nghề nghiệp đan lưới và ráp cào, ở ấp 3, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại được thành lập và hoạt động với 10 thành viên, bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế, đảm bảo nhu cầu ngư cụ phục vụ đánh bắt thủy sản trên biển và góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho lao động thất nghiệp tại địa phương, chủ yếu là phụ nữ.
Là một xã ven biển, Bình Thắng có truyền thống đánh bắt thủy sản lâu đời, dịch vụ đan lưới, ráp cào của xã thường có quy mô nhỏ lẻ, manh mún của cá nhân và hộ gia đình. Những năm gần đây, việc mở rộng quy mô khai thác đánh bắt hải sản đã kéo theo nhu cầu đan lưới, ráp cào tăng.
Các thành viên tổ đan lưới và ráp cào đang thực hiện các công đoạn được phân công
Phát huy tinh thần tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình và đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề đánh bắt thủy sản của địa phương, bà Đoàn Thị Lợi, thợ đan lưới lãnh nghề cũng là tổ trưởng Tổ đan lưới, ráp cào của ấp hiện nay, đã mạnh dạn vận động chị em phụ nữ, thanh niên thất nghiệp trong ấp thành lập Tổ nghề nghiệp đan lưới và ráp cào theo hình thức nghề dạy nghề. Người có tay nghề hướng dẫn cho người chưa có tay nghề theo từng công đoạn từ dễ đến khó và đến nay hầu hết các thành viên trong tổ đều thành thạo việc.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay tổ đã thu hút được 22 thành viên, trong đó thành viên là phụ nữ chiếm 70%, còn lại là nam thanh niên. Nghề sản xuất của tổ là trực tiếp đan lưới và ráp cào các loại như: cào lê, cáo lếch, cào cá, lưới rê,... với nhiều kích cỡ đa dạng. Ngoài ra, tổ cũng nhận vá lưới thuê khi chủ tàu có nhu cầu.
Ban đầu, tổ hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, nguyên nhân do các thành viên tham gia tổ đều là những hộ gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, song nhờ Hội nông dân tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã cơ bản đáp ứng nguồn vốn cho tổ hoạt động. Tổ đã đầu tư mua nguyên, vật liệu để các thành viên triển khai sản xuất. Tổ hoạt động chia thành 3 nhóm nhỏ, mỗi nhóm thực hiện từng công đoạn, từng khâu, nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành một đầu cào theo yêu cầu của chủ tàu đánh bắt và được nhận lương tùy theo mức độ từng công đoạn.
Hiện các thành viên đan lưới và ráp cào có thu nhập mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng/người. Những thành viên quen việc, khéo léo và chăm chỉ thì có thu nhập cao hơn, từ 8 triệu trở lên.
Bà Đoàn Thị Lợi - Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp đan lưới và ráp cào chia sẻ: So với các nghề thủ công ở địa phương thì nghề đan lưới, ráp cào nhẹ nhàng, không dầm mưa dãi nắng mà có thu nhập cao, ổn định, nhất là công việc làm quanh năm. Song cũng đòi hỏi sự công phu, thành viên tham gia làm nghề đan lưới, ráp cào phải dẻo dai, chịu khó bởi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, nếu không bị lỡ nhịp thì chiếc lưới phải đan lại.
Trung bình mỗi tháng tổ sản xuất và cung cấp khoảng 30 sản phẩm đầu cào các loại cho các chủ tàu đánh bắt và hầu hết các sản phẩm của thành viên trong tổ làm ra đều được chủ tàu địa phương đánh giá chắc chắn, bền đẹp. Bà Đặng Thị Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Đại cho biết: “ Thời gian tới, Hội nông dân huyện kiến nghị với Hội nông dân tỉnh và Trung ương Hội về việc tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn giúp cho tổ duy trì hoạt động và thu hút giải quyết thêm nhiều thành viên tham gia vào tổ...”.
Tổ đan lưới và ráp cào thực sự là mô hình đã mở ra cơ hội việc làm và trở thành ngư cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động đánh bắt thủy sản và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động thất nghiệp vùng biển, nhất là chị em phụ nữ.