Site banner
Thứ năm, 12. Tháng 12 2024 - 14:00

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư công cụ quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là sự tiếp nối và thể hiện một cách toàn diện, xuyên suốt quan điểm chính sách của Đảng về công tác an sinh xã hội.

Đây là công cụ quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với hệ thống đồng bộ, bao phủ nhiều nhóm đối tượng, các chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách có điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Bằng sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là gắn kết Nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền.

Tính đến ngày 31/8/2023 đã có gần 108.152khách hàng còn dư nợ với dư nợ đạt 3.616 tỷ đồng.Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực.

Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người dân. Nguồn vốn tín dụng chính sách còn được phối hợp triển khai cùng với các đề án giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương, xây dựng nông thôn mới, người vay được định hướng, tư vấn, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thoát nghèo bền vững.

Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, người nghèo và các đối tượng chính sách tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, làm quen với dịch vụ tài chính, ngân hàng. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác, giúp họ thêm tự tin hơn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ 80 xã, 2/9 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, đời sống người dân được nâng lên; an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được bảo đảm; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố.

Thông qua phương thức cho vay ủy thác, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có điều kiện củng cố hoạt động của các cấp cơ sở. Hàng loạt phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe, sinh sản, bình đẳng giới, xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân; phong trào 5+1 của Hội Cựu chiến binh; phong trào xung kích lao động sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đã ra đời, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống của người khó khăn.

Dưới sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, sự tham gia giám sát của người dân, đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Việc xã hội hóa trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc, hệ thống chính trị vững mạnh.

Thông qua tham dự các buổi sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên có điều kiện chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhau vượt qua các khó khăn trong cuộc sống; đội ngũ cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ấp, khu phố được nghe ý kiến từ người dân. Đồng thời, người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Việc Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, góp phần quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng; lồng ghép thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tóm lại, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH và hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các ấp, khu phố trong triển khai tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi, gắn kết hơn giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách vay vốn làm ăn, đôn đốc thu hồi nợ vay… Ngược lại, người dân với tư cách vừa là người thụ hưởng có điều kiện thường xuyên đối thoại, đề đạt nguyện vọng với cấp ủy Đảng, chính quyền về quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.

Thanh Tâm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh