Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thiết lập, tổ chức giao dịch tại 153 Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh. Hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” là hiện thực hóa hoạt động đặc trưng, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tại Điểm giao dịch xã, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội niêm yết công khai chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng ưu đãi, nội quy, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, danh sách người vay vốn để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân biết, kiểm tra, giám sát, phát huy chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi, tiếp nhận hồ sơ, xử lý nợ, thực hiện các dịch vụ thanh toán, tổ chức giao ban với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn,… để thông tin kết quả triển khai chính sách tín dụng trên địa bàn và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch xã chiếm tỷ lệ khá cao trên tổng khối lượng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng. Tỷ lệ giải ngân đạt 98,92%, tỷ lệ thu nợ gốc đạt 96%, tỷ lệ thu lãi đạt 99,61%. Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng được thực hiện an toàn, thuận lợi ngay tại Điểm giao dịch xã, góp phần triển khai Chiến lược tài chính toàn diện đến người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển. Theo đánh giá, có 100% Điểm giao dịch xã hoạt động hiệu quả, xếp loại tốt.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giồng Trôm tổ chức giao dịch tại Điểm giao dịch xã Phong Nẫm
Việc tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân; vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, hạn chế tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay, thu nợ; người dân cũng dễ dàng đến gửi tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã thông qua các sản phẩm tiền gửi như tiết kiệm có kỳ hạn, tiết kiệm không kỳ hạn, tiết kiệm gửi góp;…
Phương thức tổ chức giao dịch tại xã đã đạt được nhiều mục tiêu như: tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch với ngân hàng; cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội gần dân, sát dân, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ; cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện giám sát hoạt động của ngân hàng; tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho chính quyền gần dân, dân gần chính quyền; tạo mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và người dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.