Site banner
Thứ năm, 23. Tháng 1 2025 - 20:19

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Châu Thành mở rộng liên kết, hợp tác cùng phát triển nền nông nghiệp bền vững

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trần Trọng Nhân cho biết: Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sách, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng uy tín, khả năng cạnh tranh nông sản của huyện gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và tiếp tục hoàn thiện, nâng chất các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện (dừa, bưởi, chôm chôm và sầu riêng).

 Thời gian qua, với vai trò là thành viên phối hợp thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã tham mưu đề xuất ưu tiên các xã, thị trấn có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng lĩnh vực cây trồng, vật nuôi để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ; đồng thời, các xã, thị trấn ưu tiên lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả. Sản phẩm nông nghiệp xanh bền vững ngày càng được ưa chuộng, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới, từ đó giúp người nông dân an tâm canh tác tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Để đạt được mục tiêu đó, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân tham gia các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tổ hợp tác (THT), thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, các chi, tổ hội nghề nghiệp. Đây là nơi nông dân có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau, cùng nhau phát triển. Từ đầu năm đến nay, đã thành lập mới 05 HTX với 419 thành viên (gồm: HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Lộc Phước xã Tam Phước, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Hóa, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phú An Hòa, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Sơn Hòa, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Hiệp. Lũy kế trên địa bàn huyện có 24 HTX với 3.172 thành viên (22 HTX nông nghiệp, 02 HTX phi nông nghiệp) đều hoạt động theo Luật HTX.

Các cấp hội trong huyện tập trung khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bền vững, cung cấp công nghệ và thị trường cho sản phẩm, xây dựng các vùng sản xuất tập trung đạt chuẩn VietGap tham gia thực hiện chuỗi giá trị. Đối với cây bưởi da xanh, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh và các Công ty, doanh nghiệp hỗ trợ các THT, HTX thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP liên kết tiêu thụ 239,42 ha (Công ty Hương Miền Tây – An Hiệp 18,1ha, Tam Phước 14,15ha, Phú Túc 16,9ha, Tường Đa 15ha; Công ty Green Powers – Hữu Định 12ha; Công ty Chánh Thu, Công ty Vườn Trí Hải với HTX Quới Sơn; Tập đoàn Lộc Trời với HTX Giao Long; HTX Bưởi da xanh Bến Tre với các HTX thành viên ở An Khánh, Tam Phước, An Hiệp, Tân Thạch với 37ha VietGap, 14,7ha LobalGAP.

Song song đó, thực hiện liên kết tiêu thụ sầu riêng 78,2ha với các công ty Green Powers, Hoàng Châu, Á Châu, Vina T&T tại các xã Phú Đức và Tân Phú.

Nông dân tỷ phú Trần Hoàng Quân xã Tân Phú huyện Châu Thành giới thiệu mô hình trồng sầu riêng diện tích 4ha với lãnh đạo HND tỉnh Bến Tre và Vũng Tàu 

Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên thực hiện liên kết tiêu thụ với HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Tiên Long 15,8ha chôm chôm.

Hội Nông dân huyện còn phối hợp hỗ trợ các THT, HTX gắn với Công ty, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, đã xây dựng được 09 mã vùng trồng với 16 mã số, diện tích 130,24ha. Lũy kế đã xây dựng 68 mã vùng trồng, diện tích 2.165,08 ha, trong đó: 64 mã bưởi với diện tích 384,33ha; sầu riêng 10 mã với diện tích 283,83ha; 34 mã dừa uống nước với diện tích 1.496,92 ha.

Việc chuyển giao công nghệ và kiến thức là yếu tố then chốt trong phát triển nông nghiệp bền vững, từ yêu cầu đó Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0 cho hội viên, cũng như hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VIETGAP, GLOBALGAP, thông qua các buổi hội thảo đầu bờ, các buổi sinh hoạt tổ hợp tác, sinh hoạt tổ khuyến nông cộng đồng. Khuyến khích nông dân sử dụng các ứng dụng, phần mềm quản lý để theo dõi mùa vụ và tài nguyên.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng, từ đó Hội cũng rất quan tâm đến việc xây dựng các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là tuyên truyền cho hội viên nông dân nhận thức tốt về lợi ích của sản phẩm nông nghiệp bền vững, vì người nông dân là người trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Để tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác cùng phát triển nền nông nghiệp bền vững, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp các ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau:

 Một là, tiếp tục quan tâm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân huyện Châu Thành, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như: Dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm...

Hai là, tổ chức cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu, hiệu quả cao tại các tỉnh lân cận để vận dụng vào sản xuất tại địa phương.

Ba là, tiếp tục tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn ngân hàng để phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghiệp vào trong sản xuất nhất là trong lĩnh vực phát triển cây ăn trái chủ lực của địa phương.

Bốn là, tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến các loại cây ăn trái đặc trưng của huyện.

Năm là, tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, mở các lớp tập huấn về liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại địa phương.

 Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định: Việc mở rộng liên kết, hợp tác trong phát triển nông nghiệp bền vững là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều kết quả. Để thành công, cần sự chung tay của tất cả các bên, từ nông dân, doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước. Chỉ có như vậy, mới có thể xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Minh Tân