Gần 10 năm, anh Nguyễn Quang Hà, 31 tuổi, ngụ tại Tổ nhân dân tự quản số 2, ấp 3, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre gắn bó với đam mê cùng công việc chăm nuôi chim cu gáy Malaysia sinh sản và cu Pháp thương phẩm (thịt). Nhờ đó, anh Hà có thu nhập ổn định hơn 15 triệu đồng/tháng.
Niềm đam mê
Năm 2018, anh Nguyễn Quang Hà đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăm nuôi chim cu gáy Malaysia sinh sản và cu Pháp thịt. Khởi đầu chăn nuôi, anh Quang Hà mua 1 cặp (trống và mái) chim cu gáy Malaysia sinh sản giống, với giá hơn 4 triệu đồng. Anh đã gầy dựng và phát triển số lượng cũng như chất lượng vật nuôi qua thời gian.
Trong mỗi lồng ghép, anh bố trí 1 thau hoặc rổ nhỏ bằng nhựa có lót cỏ hay vật nuôi sẽ tự tha lông vào làm ổ, nhằm phục vụ cho quá trình sinh sản. Với chim cu gáy Malaysia sinh sản, chim trống sẽ nhảy vào ổ trước để gáy gọi chim mái vào đẻ trứng. Khi chim cu gáy Malaysia con được nuôi 1 tuần, anh Hà sẽ tiến hành đeo phen chân bằng kim loại. Trên phen chân, anh Hà khắc những thông tin về mã số và dòng nuôi của vật nuôi.
Anh Nguyễn Quang Hà sẻ chia: “Chim cu gáy Malaysia mang hình thái giống 80% so với chim cu Việt Nam, sáng màu và lông bó sát, góc lông cứng và hình vóp bắp chuối, âm vọng lớn, phần lớn lì đòn. Từ đó, chim cu gáy Malaysia rất thích hợp cho việc đi bẫy hay thi cử hoặc gáy gù. Đẹn miệng, ngậm mắt và giun sán (lãi) là những bệnh thường gặp ở chim cu gáy Malaysia hay cu Pháp thịt”.
Mỗi lứa, 1 con chim cu gáy Malaysia đẻ 2 trứng. Khoảng 20 ngày, chim cu gáy Malaysia con sẽ xuống ổ và biết ăn sau khoảng 30 ngày nuôi. Từ 4 - 5 tháng chăm nuôi, cu sẽ biết gáy gù. Từ 6 - 7 tháng, vật nuôi bắt đầu đẻ trứng so. Nếu chim cu gáy Malaysia sinh sản và tự ấp trứng thì khoảng 2 tháng sau sẽ đẻ lứa kế tiếp nhưng chất lượng giống nòi cũng như sự sinh trưởng của chim con sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế, anh Hà sẽ chuyển trứng chim cu gáy Malaysia đẻ xong sang cho chim cu Pháp đảm nhiệm ấp.
Theo anh Hà, khi chim cu gáy Malaysia đẻ trứng so thì anh không tiến hành cho ấp lượng trứng đó; chỉ ấp trứng vào lứa đẻ kế tiếp. Do chim cu gáy Malaysia là chim kiểng nên người nuôi cần ấp trứng chéo, nhằm tránh tình trạng trùng huyết. Mỗi tuần, anh Hà chỉ dành khoảng 4 tiếng để chăm sóc toàn bộ số lượng chim cu gáy Malaysia và cu Pháp của gia đình.Trong mỗi lồng ghép, anh Hà trang bị những thứ cần thiết như: hộp mủ đựng từ 30 – 50 gram thứ căn dành cho 1 tuần, hệ thống nước có gắn vòi tự động.
Anh Nguyễn Quang Hà ngắm nhìn chim cu gáy Malaysia mới nở.
Thu nhập ổn định
Hiện tại, anh Hà đang nuôi 300 chim cu gáy Malaysia sinh sản và hơn 400 chim cu Pháp thịt trong 250 lồng ghép cũng như không gian riêng biệt. Mỗi lồng ghép có diện tích xung quanh 3 m2 (ngang 0,75m, dài 0,75m và cao 1m); trung bình nuôi từ 2 - 4 con chim cu; tiên quyết phải có 1 con trống và 1 mái chim cu gáy Malaysia sinh sản, còn lại là hậu bị. Khi chim cu gáy Malaysia được 1 tháng tuổi trở lên thì có giá bán từ 1,5 - 5 triệu đồng/cặp. Giá bán cu Pháp thịt 60 ngàn đồng/con, trọng lượng từ 150 - 170 gram/con. Trung bình, mỗi tháng anh Hà xuất bán hơn 200 con cu Pháp thịt và thu nhập hơn 10 triệu đồng.
“Bản thân có đam mê về chim cu hồi còn bé nhỏ, gầy dựng và hiện thực hóa niềm đam mê trở thành hiện thực trong cuộc sống thực tại. Hồi xưa, khi tôi may mắn bắt được 1 cặp chim cu thì lòng mình rất phấn khởi và vui sướng vô tận. Để huấn luyện hay tập dạy 1 con chim cu gáy Malaysia trưởng thành cũng như thực hiện những hành động yêu thương là cả một quá trình cực nhọc cũng như chuyên tâm chăm nuôi của bản thân. Nhờ nuôi chim cu gáy Malaysia sinh sản đã tạo dựng được cuộc sống ổn định và đủ đầy cho gia đình như ngày hôm nay”, anh Hà tâm sự.
Bo bo, đậu xanh, mè, lúa, hạt kê các loại và hạt mai là những thức ăn ưa thích của chim cu gáy Malaysia sinh sản và cu Pháp thịt. Anh Hà tăng cường bổ sung thêm hạt ngũ cốc (giá 50 ngàn đồng/kg) dành cho những con chim giỏi hay đang huấn luyện theo niềm đam mê và sở thích riêng biệt của bản thân hoặc yêu cầu của khách hàng. Khi chim cu gáy Malaysia được huấn luyện theo phương thức cũng như đạt yêu cầu đặc biệt thì sẽ có giá bán tương thích theo niềm đam mê của khách hàng.
Anh Nguyễn Quang Hà vui đùa cùng chim cu gáy Malaysia.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nhuận Trần Quốc Toản cho biết: Chim cu gáy Malaysia hay cu Pháp đều thải ra phân khô nên không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi chim cu gáy Malaysia sinh sản và cu Pháp thịt của anh Nguyễn Quang Hà là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định. Hướng tới, Ban Chấp hành Hội sẽ tổ chức tham quan và tuyên truyền thiết thực lại mô hình nuôi cu Pháp thịt đến hội viên nông dân cũng như người dân ở địa phương nghiên cứu nhân rộng.