Từ máy xay tàu lá dừa công suất 1,2 tấn/ngày do HTX Dừa Phú Nông, xã Phú Khánh chế tạo trước đây, nhóm tác giả Nguyễn Khuyến Khích, Võ Văn Dân, Lê Hoàng Quốc Huy đã cải tiến lên công suất 4 tấn/ngày. Theo đó, mô hình “Cải tiến máy xay tàu dừa lên công suất 4 tấn/ngày” này đã đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre năm 2020 - 2021. Qua cải tiến thiết bị, nhóm tác giả đang hướng tới việc thực hiện các mô hình, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ vào chuỗi liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản, định hướng cho nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX Dừa Phú Nông.
Phú Khánh là một trong những địa phương có diện tích trồng dừa lớn của huyện với tổng diện tích 950 ha, trong đó có hơn 800 ha dừa cho trái, sản lượng bình quân hàng năm đạt 9,6 triệu trái. Năm 2018, HTX Dừa Phú Nông được thành lập với 160 thành viên, tổng diện tích canh tác dừa là 170 ha. Đến thời điểm hiện tại, HTX có 164 thành viên, trong đó có 149 hộ tham gia sản xuất dừa hữu cơ, với diện tích hơn 142 ha. Hợp tác xã được Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo củng cố toàn diện vào năm 2021; được tỉnh cho thuê hơn 4.200 m2 đất và đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, nhà kho...để hoạt động với kinh phí gần 1,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khuyến Khích bên chiếc máy xay tàu lá dừa được cải tiến lên công suất 4 tấn/ngày.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dừa Phú Nông Nguyễn Khuyến Khích là thành viên từ mô hình “Cải tiến máy xay tàu dừa lên công suất 4 tấn/ngày”. Theo ông Khích, với diện tích vườn dừa khá lớn tại địa phương việc nghiên cứu những giải pháp để tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm từ cây dừa được HTX chú trọng. Xét thấy mụn dừa có nhiều công dụng trong nông nghiệp vì là chất tự nhiên, thân thiện với môi trường và không gây hại cho vật nuôi nên ông cùng một số thành viên trực tiếp nghiên cứu phương pháp cải tiến từ máy xay tàu lá dừa do HTX chế tạo trước đây để tạo ra sản phẩm có công suất lớn hơn, sản xuất ra sản phẩm mụn dừa chất lượng hơn. Máy cũ chỉ có công suất 1,2 tấn/ngày, sử dụng truyền động bằng máy Diesel công suất nhỏ 7,5 KW, dùng để bầm nhỏ vỏ dừa, tàu lá dừa và các loại cây gỗ nhỏ khác. Ông Khích chia sẻ: “Do nhu cầu ở địa phương cần sản xuất với quy mô lớn và cần phải lưu động đến tại các vườn dừa ở hộ dân để thu gom, xay thành mụn dừa. Do đó, ý tưởng ban đầu của chúng tôi là phải cải tiến để máy có công suất lớn hơn, từ 3-4 tấn/ngày. Để tiến hành thực hiện, chúng tôi kết hợp với anh Võ Văn Dân là thợ cơ khí tại thị trấn Thạnh Phú. Sau 5 tháng mài mò nghiên cứu chúng tôi đã làm ra tổ máy đạt yêu cầu, tiện dụng ở địa phương”.
Phân hữu cơ của HTX Dừa Phú Nông sản xuất phục vụ người dân địa phương trong trồng trọt
Máy xay tàu lá dừa được cấu tạo gồm hai bộ phận chính gồm: máy truyền động và cối xay. Phần cối xay được vận hành theo nguyên lý băm nhỏ nguyên liệu bằng 08 lưỡi dao bố trí đối xứng quanh trục quay. Theo đó, máy truyền động và hệ thống cối xay được lắp đặt cố định trên xe ba bánh tự hành để di chuyển thuận lợi đến vườn dừa của các hộ dân trên địa bàn khi có nhu cầu. Tính sáng tạo chiếc máy mới là việc cải tiến công năng giúp xay nhuyễn và đều các tàu lá dừa, dừa mỏ,mo nang,chà dừa, xơ dừa, vỏ dừa,... Hiện tại, máy có công suất khá lớn, có thể xay được từ 3,6 tấn đến 4 tấn mụn dừa/ngày (gấp 3 lần máy cũ). Không những hoạt động cố định tại trụ sở HTX mà máy còn có thể cơ động đến các vườn dừa của các hộ dân rất thuận lợi do có bộ phận xe tự hành. Đối với hiệu quả kinh tế, theo ước tính nếu với mức chi phí đầu vào để sản xuất là 100 triệu đồng thì tỷ suất lợi nhuận thu được khoảng 40%.
Hiện tại, HTX dừa Phú Nông đang thực hiện các hoạt động mua bán dừa trái, sơ chế, ủ phân hữu cơ, nuôi trùn quế và cung ứng phân bón. Đối với phân hữu cơ, từ sau khi cải tiến thành công máy đến nay, HTX đã sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 40 đến 50 tấn và trong 2023 này sẽ tăng cường hoạt động sản xuất. Việc cải tiến máy xay tàu dừa của HTX đã góp phần đáng kể trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu rất lớn tại địa phương, giải quyết cơ bản nguồn rác thải trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi. Sản phẩm mụn dừa được tạo ra có giá trị trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh và làm các loại giá thể khác từ mụn dừa. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dừa Phú Nông Nguyễn Khuyến Khích cho biết thêm, để triển khai quy trình ủ phân vi sinh thì HTX Dừa Phú Nông chúng tôi đã ứng dụng công nghệ ủ phân vi sinh hữu cơ của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Bến Tre. Qua đó, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài cấp cơ sở do HTX thực hiện. Trên cơ sở đó, hiện nay chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng ủ phân hữu cơ vi sinh từ phân chuồng kết hợp mụn dừa dược xay từ tàu lá dừa. Kết quả, cho ra sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, chúng tôi đã có kiểm nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ, nói chung các chỉ tiêu đạt yêu cầu về phân hữu cơ vi sinh. Về hiệu quả, chúng tôi đã sản xuất được phân hữu cơ tại chỗ với nguồn nguyên liệu tại chỗ, qua đó hạ được giá thành sản phẩm, tạo điều kiện tốt cho người dân sử dụng, giá cả phải chăng”.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Võ Văn Hiện, hiện nay, người dân trên địa bàn huyện đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đã giúp cho người dân từng bước nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó, có mô hình cải tiến máy xay tàu dừa thực hiện ủ phân hữu cơ của HTX Dừa Phú Nông, xã Phú Khánh. Đây là mô hình giúp cho người dân tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp tạo ra phân hữu cơ, thân thiện với môi trường. Hướng đến, sau khi hoàn thành qui trình ủ sẽ cho ra sản phẩm phân đảm bảo yêu cầu, HTX sẽ cung cấp phân này cho xã viên, người dân trên địa bàn huyện, từ đó giúp cho hộ giảm chi phí đầu vào tăng thu nhập cho hộ. Phòng Kinh tế và Hạ tầng kêu gọi các tổ chức, cá nhân cũng như người dân đẩy mạnh sáng tạo khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, giúp địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới”.
Dự kiến, từ năm 2023 đến tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú tiến hành thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh vào chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững” tại xã Phú Khánh, trong đó chủ yếu là thành viên của HTX Dừa Phú Nông. Dự án này sẽ hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ vào chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và định hướng cho nông dân trên địa bàn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với một số nội dung, công việc chính như: mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ mụn dừa và phân chuồng; mô hình cơ chất hữu cơ vi sinh; cải tạo, chăm sóc vườn dừa theo hướng hữu cơ với quy mô 10 ha; mô hình trồng cây thảo dược và cây ngắn ngày xen trong vườn dừa; thực hiện các mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi trùn quế, nuôi gà thảo dược, nuôi thủy sản nước ngọt... Kỳ vọng rằng sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, được hỗ trợ công nghệ, HTX cũng như các hộ nông dân tham gia dự án sẽ hoàn thiện khâu tổ chức sản xuất và đầu tư mở rộng quy mô; xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị dừa và hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa... tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm./.