Site banner
Thứ năm, 12. Tháng 9 2024 - 9:38

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Các vị thuốc từ Mèo

Không chỉ là vật nuôi hữu ích, là biểu tượng văn hóa phổ biến, là nguồn thực phẩm ngon bổ và nguyên liệu cho một số ngành đặc biệt, mèo còn mang tác dụng y dược đa dạng như một “cây thuốc biết đi”. Hầu hết các bộ phận từ cơ thể mèo đều có thể đem chế được thành dược phẩm, dùng để tăng cường sinh lực, phòng chống và chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người.

* THỊT MÈO (miêu nhục): Là món đặc sản quý, thơm ngon, bổ dưỡng, lại có tác dụng y dược hiệu quả nên rất được ưa chuộng. Nó mang vị ngọt, hơi mặn và chua, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thũng, chống lao lực, giải độc, giảm đau. Có thể luộc, hấp, xào, nướng, ninh… riêng thịt mèo hoặc nấu kèm một số gia vị, thuốc thực vật khác như hành, tỏi, gừng, sả, dứa, long nhãn, đảng sâm… Mỗi ngày dùng 50-100 g thịt mèo dưới dạng nấu chín ăn hoặc sấy khô, tán bột uống sẽ đặc trị chóng mặt, mụn nhọt, lao phổi, chướng bụng và trĩ mãn tính. Đem thịt mèo ninh nhừ, thêm ít muối và rượu, ăn trong ngày chữa loét dạ dày, hành tá tràng. Lấy thịt mèo (100 g) thái nhỏ, hấp cách thủy với đảng sâm (30 g) và long nhãn (15 g), ăn cái, uống nước thì chữa thần kinh suy nhược, xuất huyết dưới da do dị ứng. Dùng thịt mèo (100 g) nấu chín với khởi tử (25 g), hoàng tinh (10 g) và long nhãn (8 g), ăn cả cái lẫn nước sẽ trị chứng gan, thận hư nhược. Đem thịt mèo (tốt nhất là mèo rừng) sống hoặc nướng chín ngâm vào rượu mạnh (tối thiểu 1 năm), uống sẽ phòng chữa bệnh sốt rét.

Mèo vàng

* MÁU ĐUÔI MÈO (miêu vĩ huyết): Mang vị hơi ngọt, mặn, tính ấm, có tác dụng chữa được chứng cấp kinh phong (hoảng sợ, nóng sốt mà lên cơn co giật - thường gặp ở trẻ em). Cắt chót đuôi lấy máu mèo, hòa rượu uống, trị cảm lạnh, méo miệng, co giật, động kinh.

* MỠ MÈO (miêu chi): Có tác dụng trị bỏng, chữa vết thương. Mỡ cùng da, lông mèo đem đốt thành tro rồi trộn đều với dầu vừng, dùng bôi chữa hạch kết cổ, mụn nhọt.

* DA MÈO (miêu bì mao): Mang vị hơi ngọt, mặn, chua, tính ấm, có tác dụng chữa được chứng hạch kết cổ lâu ngày khó khỏi. Dùng dưới dạng làm sạch rồi phối hợp với xương, thịt mèo và đậu đỏ, ý dĩ, gừng, riềng, lá mơ để hầm nhừ mà ăn.

* XƯƠNG MÈO (miêu cốt): Mang vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng (đặc biệt là xương mèo đen). Đem ngâm rượu uống, nó là thuốc bổ, giảm đau nhức gân xương, rất thích hợp cho người cao tuổi. Lấy xương mèo (tốt nhất là mèo rừng) tán bột, dùng uống hoặc đốt thành than, đắp ngoài thì sẽ đặc trị đau khớp, trĩ, nhọt độc, cam tích. Còn dùng xương đầu mèo nếu đem đốt thành tro, tán nhỏ, mỗi lần uống 12 g với rượu sẽ chữa ho suyễn do đờm khí hoặc bôi ngoài chữa lở ngọc hành ở trẻ em; nếu đem đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 10-15 g với rượu sẽ chữa cam tẩu mã.

* RĂNG MÈO (miêu nha): Có tác dụng chữa trị những vết lở loét không màu. Dùng răng mèo cùng răng người, răng chó, răng lợn, lượng bằng nhau, đốt tồn tính rồi tán thành bột, liều lượng dùng mỗi lần 1 g uống với rượu nóng.

* MẮT MÈO (miêu nhãn tinh): Mang vị hơi ngọt, mặn, tính ấm, có tác dụng chữa được chứng phong tê nhức mỏi, nổi hạch cổ cằm, mụn nhọt, mắt yếu. Dùng dưới dạng phối hợp với xương, thịt mèo, tẩm gia vị, mắm muối để tiềm ăn, hoặc phối hợp với ý dĩ, đậu đỏ để hầm ăn.

* LƯỠI MÈO (miêu thiệt): Mang vị hơi ngọt, mặn, tính ấm, có tác dụng chữa được chứng nhiều hạch nổi ở vùng cổ, cằm, mụn chảy mủ ở chân lâu khỏi. Dùng dưới dạng làm sạch rồi hầm với đậu đỏ, ý dĩ, gừng, riềng, sả, lá mơ, gia vị để ăn.

* ÓC MÈO (miêu não): Mang vị hơi ngọt, mặn, tính ấm, có tác dụng chữa được chứng nhiều hạch nổi ở vùng cổ, cằm, mụn mủ ở tay, chân. Dùng bằng cách chưng cách thủy hoặc nấu canh với rau hẹ, đậu hũ mà ăn.

* PHỔI MÈO (miêu phê): Dùng phổi mèo (1 bộ) băm nhỏ trộn với đọt lá sòi tía (80 g) và ngũ vị tử (20 g), làm thành chả nướng hoặc hấp chín, ăn sẽ đặc trị hen suyễn.

* GAN MÈO (miêu can): Lấy gan mèo (tốt nhất là mèo đen) thái nhỏ, phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 4 g với rượu nhạt vào lúc đói, sẽ chữa được hư lao.

* DẠ DÀY MÈO (miêu vị): Dùng dưới dạng luộc, xào để ăn hoặc ngâm sống trong rượu mạnh (tối thiểu nửa năm) để uống, chữa cơ thể suy nhược, xanh xao, gầy yếu.

* MẬT MÈO (miêu đởm): Mang vị đắng, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống co thắt. Đem mật mèo (tốt nhất là mèo đen) ngâm rượu uống hàng ngày sẽ trị hen suyễn, đau bụng kinh niên. Lấy mật mèo (tốt nhất là mèo rừng) pha loãng sẽ chế được thành thuốc chữa đau mắt.

* CHÂN SAU MÈO (miêu trửu hậu): Mang vị hơi ngọt, mặn, chua, tính ấm, có tác dụng chữa được chứng nhọt giò (mụn ở chân) mà mủ thường ra liên tục. Dùng dưới dạng làm sạch rồi hầm nhừ với ý dĩ, đương quy, trần bì hoặc đậu đỏ, đậu đen, gia vị khác, ăn nóng.

* BÀO THAI MÈO (miêu bào y): Theo sách Dược tính chỉ nam của danh y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác), thuốc chế từ bào thai mèo có tác dụng chữa chứng phiêu vị (sáng trưa ăn vào chiều lại nôn ra mà dùng các thuốc khác đều không khỏi, không đỡ). Dùng dưới dạng hầm ăn cùng gia vị hoặc rang sấy khô, tán bột, hòa vào rượu uống.

* CAO MÈO (miêu cao): Có tác dụng bổ gân, xương, khớp và phổi. Có thể dùng chữa hen suyễn và đặc trị các bệnh về xương khớp như thấp khớp, đau nhức xương khớp, viêm đa khớp, thoái hóa khớp, đau cột sống, thoái hóa các đốt sống và cột sống, đau thần kinh tọa. Dùng cao xương mèo ngâm rượu gạo để uống (100 g cao dùng khoảng 10 ngày) hoặc cắt cao thành miếng nhỏ, cho vào bát, thêm ít nước để hấp trong nồi cơm, uống trước bữa ăn. Để nấu cao mèo toàn tính, người ta làm sạch mèo, bỏ đầu, lòng ruột, rồi chặt xương, thịt thành miếng nhỏ, thêm gừng băm nhỏ vào, ninh nhừ thì đem lọc thật sạch, cặn bã xương thịt bỏ đi, nước cốt thu được cho vào nồi đun tiếp đến khi cô đặc sền sệt thì dừng, sau đó đổ ra khay, đến khi khô nguội thì cắt thành miếng, đóng gói, bảo quản.

* NƯỚC TIỂU MÈO (miêu niệu): Dùng nước tiểu mèo rỏ vào lỗ tai sẽ làm cho con đỉa hoặc sâu bọ đã chui vào trong đó phải bò ra ngoài. (Lấy nước tiểu mèo bằng cách: bắt mèo, giữ chặt 4 chân, dùng gừng tươi xát vào lỗ mũi hoặc vỏ bưởi xát vào trôn, mèo sẽ đái vọt ra, hứng lấy).

* PHÂN MÈO (miêu phẩn): Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông trong tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo thì phân mèo sao khô là thuốc chữa được chứng đậu, sởi ở trẻ em. Còn theo danh y Tuệ Tĩnh trong tác phẩm Nam dược thần hiệu thì nếu gom phân mèo đã khô trên mái nhà bọc kín lại bằng đất sét rồi nướng trên than hồng, sau đó nghiền thành bột, trộn với đường cát, ăn sẽ đặc trị ho lao, kiết lỵ.

Ngoài ra, trong y học hiện đại, mèo còn được dùng để thử tác dụng của thuốc chữa bệnh về tim như đối với các chế phẩm của dương địa hoàng (digitalis purpurea); người ta lấy đơn vị “mèo” để nghiên cứu đánh giá chất lượng thuốc. Ruột mèo có thể được dùng làm chỉ khâu trong phẫu thuật. Mèo thường săn bắt, tiêu diệt chuột cũng là việc trừ được những mầm bệnh nguy hiểm cho người và gia súc, gia cầm.

Nhà nghiên cứu, nhà báo, tiến sĩ NGUYỄN ANH HÙNG