Site banner
Thứ bảy, 20. Tháng 4 2024 - 7:00

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Xã Châu Hòa đẩy mạnh tiêu thụ Dừa trong trạng thái bình thường mới

Huyện Giồng Trôm hiện có gần 15.000 ha trồng dừa khô với sản lượng khoảng 73 triệu trái/năm. Trong thời gian qua, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, ủy ban nhân dân các xã thị trấn hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp thu mua nông sản gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định. Tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn huyện từ tháng 7 đến nay,huyện đã tiêu thụ trên 14,7 triệu trái, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi lên kết giá trị sản phẩm chủ lực cây dừa, góp phần ổn định kinh tế cho người nông dân trồng dừa trên địa bàn huyện.

Ảnh: Thu hoạch dừa tại ấp Phú Trị, xã Châu Hòa

Là một trong những xã có diện tích trồng dừa lớn nhất của huyện Giồng Trôm,  Châu Hoà có diện tích dừa là 1.150,7 ha phân bổ đều ở 9 ấp của xã, trong đó: dừa ta 700 ha, dừa xiêm 450,7ha. Giá cả thị trường dừa khô hiện nay dao động từ 100.000 đồng đến 110.000 đồng/chục.Xã Châu Hoà may mắn là xã vùng xanh trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-10. Tuy nhiên quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoávẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ, trong đó có trái dừa là mặt hàng chủ lực của xã. Cụ thể, có hơn 36.000 trái dừa khô của các cơ sở thu mua bị tồn đọng không xuất bán được do khách hàng chủ yếu ở ngoài tỉnh, khu vực TP. HCM, Tây Ninh, Vũng Tàu, các tỉnh khu vực miền Bắc. Trước tình hình đó, xã đã xây dựng Phương án tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 giao trách nhiệm cho công chức phụ trách Nông nghiệp và Môi trường tham mưu tổ chức thực hiện Phương án và hướng dẫn các cơ sở sản xuất và thương lái đăng ký hoạt động, giao lực lượng các chốt trực giám sát và quản lý chặt chẽ quá trình lưu thông, vận chuyển trái dừa, chỉ những cơ sở được Uỷ ban nhân dân xã cấp phép đủ điều kiện mới được hoạt động. Qua đó giải quyết được nhu cầu cấp bách về tiêu thụ dừa trái của xã, hàng ngày có trên 3.000 trái dừa ta và trên 15.000 trái dừa xiêm được xuất bán.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 19 đến khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính Phủ đến nay, xã đã phục hồi sản xuất theo phương châm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Có 17 cơ sở thu mua, sơ chế dừa khô và dừa xiêm, 39 thương lái mua dừa hoạt động lại. Mỗingày có trên 5.000 trái dừa ta và trên 20.000 trái dừa xiêm được xuất bán. Xã giao cho Trưởng ấp các ấp theo dõi hoạt động, cung cấp thông tin cho công chức phụ trách Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 theo dõi, có hướng chỉ đạo, điều hành.

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Châu Hoàcó nhiều hoạt động về kết nối tiêu thụ nông sản. Cụ thể đãhỗ trợ tiêu thụ trên 60.000 trái dừa ta hữu cơ, diện tích thu hoạch 150,8 ha ở 7 ấp trên địa bàn xã, cơ bản giải quyết khó khăn trước mắt về nhu cầu lưu thông dừa trái.Hợp tác xã ký kết với công ty Betrimex và Công ty Dừa Lương Quới tiêu thụ dừa hữu cơ góp phần giải quyết dừa trái với số lượng lớn, giá cả hợp lý. Ông Phạm Quang Đằng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa cho biết: “Từ lúc dịch Covid-19 hoành hành thì hợp tác xã cũng rất khó khăn, khi thực hiện Chỉ thị 16 thì hợp tác xã từng bước linh động để giải quyết lượng dừa tồn đọng trong dân khoảng 50 ngàn trá. Hợp tác xã cho công nhân và lãnh đạo của hợp tác xã 3 ngày test một lần, cho công nhân xuống thu mua dừa của dân. Lúc thực hiện Chỉ thị 16 lần đầu thì giá dừa bình ổn khoảng 85-90 ngàn/chục, sau ngày 10/9 thực hiện Chỉ thị 19 thì tình hình dừa có khả quan hơn, lượng dừa trong dân hợp tác xã thu mua với giá cao từ 100 – 120 ngàn/chục, bà con rất phấn khởi. Hiện giờ lượng dừa giao cho Betrimex rất ổn định, trung bình 10.000 trái/tuần.”

Để đảm bảo vừa phòng dịch vừa sản xuất, hợp tác xã và cơ sở trên địa bàn xã thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch bệnh và nguyên tắc 5K. Thực hiện test nhanh COVID-19 cho chủ cơ sở, đội ngũ lao động và có giấy xác nhận kết quả âm tính của cơ quan y tế. Tổ chức ký cam kết và giám sát thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 của người lao động và tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ sở xây dựng quy định về phòng, chống dịch của đơn vị và có chế tài xử lý vi phạm nếu người lao động không tuân thủ.Đồng thời, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch tại khu vực nhà ăn, bố trí thức ăn, nước uống riêng cho từng lao động. Quản lý chặt chẽ người lao động, lịch trình, thời gian làm việc.

Bà Thái Thị Nhanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Hòa cho biết: Trong thời gian sắp tới, xã Châu Hòa tiếp tục phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới theo hướng vừa tăng gia sản xuất nâng cao năng suất, vừa đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối tượng đến hoặc đi khỏi địa phương, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ, kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các chủ thể sản xuất, kinh doanh về trái dừa, các hộ canh tác nông nghiệp để ổn định đầu ra, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xã cũng tranh thủ mọi nguồn lực, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng thâm canh, chuyên canh, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hàng năm, tổ chức sơ tổng kết quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đánh giá mặt được, mặt hạn chế và đề ra giải pháp cụ thể phát triển bền vững ngành nông nghiệp của xã. Bên cạnh đó, chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phụ trách lĩnh vực nông nghiệp có chuyên môn hoá cao, có tầm nhìn chiến lược đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới./.

CTV Kim Phụng