Site banner
Thứ sáu, 26. Tháng 4 2024 - 3:17

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất, kinh doanh cây giống cho thu nhập cao và bảo vệ môi trường

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành cụ thể hóa, triển khai thực hiện ở các cấp Hội đạt nhiều kết quả khả quan. Nhiều mô hình Hợp tác xã nông nghiệp được Hội chủ trì, phối hợp vận động thành lập đi vào hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân là thành viên. Tiêu biểu trong số đó là Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi tại ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách do anh Phạm Hồng Khánh làm Giám đốc.

Được thành lập từ ngày 09/9/2019, Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi có 67 thành viên, 10 lao động với vốn điều lệ 01 tỷ đồng; hiện nay đã tăng lên hơn 100 thành viên, 20 lao động, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của các thành viên hợp tác xã. Riêng anh Phạm Hồng Khánh, ngoài làm Giám đốc Hợp tác xã, anh còn kiêm Giám đốc doanh nghiệp Thắng Lợi chuyên sản xuất kinh doanh cây giống với diện tích canh tác 04 ha, năng suất 400.000 cây giống/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.

Anh Phạm Hồng Khánh tại cơ sở cây giống

Điểm nổi bật của mô hình sản xuất, kinh doanh cây giống của anh Khánh là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các trang website để giới thiệu, liên kết tiêu thụ cây giống trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trong sản xuất đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ sinh học, sử dụng sản phẩm giá thể sạch và túi tự phân hủy để ươm, chiết cây giống. Đồng thời, với vai trò của mình, anh đã chủ động hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích thành viên hợp tác xã, hội viên, nông dân cùng thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững.

Không chỉ là đầu tàu trong hoạt động của Hợp tác xã và doanh nghiệp Thắng Lợi, anh Khánh còn tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương. Hiện anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Chợ Lách với 25 thành viên, định kỳ sinh hoạt mỗi quý một lần, nội dung tập trung vào việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chia sẻ cách làm mới, sáng tạo, mô hình hay, giải pháp hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi để cán bộ, hội viên, nông dân trong và ngoài Câu lạc bộ nghiên cứu, học tập, ứng dụng; hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho hội viên, nông dân khó khăn trên địa bàn có điều kiện thoát nghèo,... Ngoài ra, hàng năm doanh nghiệp của anh đã đóng góp cho công tác phúc lợi xã hội khoảng 300.000.000 đồng để thực hiện các công trình giao thông nông thôn và chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Những đóng góp của anh Phạm Hồng Khánh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn địa phương nói riêng, tỉnh nhà nói chung là rất tích cực và khá toàn diện. Chính vì vậy, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2020”, Hội Nông dân tỉnh công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019”, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2016 - 2019”; Danh hiệu “Nông dân Bến Tre xuất sắc” giai đoạn 2018 - 2020, cùng nhiều giấy khen, giấy biểu dương của địa phương.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, anh Phạm Hồng Khánh chia sẻ sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cụ thể là vai trò Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Chợ Lách, mục đích vì sự phát triển chung của các thành viên hợp tác xã, hội viên, nông dân và cộng đồng, đảm bảo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống một cách bền vững. Anh cũng sẽ duy trì thực hiện và kiên trì cùng với các cấp Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để bà con nông dân an tâm, tin tưởng, sử dụng sản phẩm giá thể, túi sinh học dễ phân hủy, thân thiện với môi trường nhằm xây dựng thành công mô hình Dân vận khéo các cấp.

Nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả, cơ bản đủ điều kiện nên trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ hỗ trợ, định hướng để xây dựng thành công mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp “3 trong 1” (chi Hội Nông dân nghề nghiệp - Hợp tác xã - Doanh nghiệp trong cùng một địa bàn, chung nhiều đối tượng,...) theo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm)“5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Và từ mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp “3 trong 1”, từng bước nếu đủ điều kiện sẽ hướng tới xây dựng mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp “4 trong 1”, “5 trong 1” trong tương lai.

Ban Kinh tế- Xã hội Hội Nông dân tỉnh