Site banner
Thứ tư, 17. Tháng 4 2024 - 1:17

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Thoát nghèo từ mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Thạnh Ngãi

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hội viên nông dân đã chủ động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ anh Lê Hoàng Đức, sinh năm 1980, ấp Ông Cốm, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc (là hộ nghèo của xã năm 2011).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nên đời sống gia đình anh gặp không ít khó khăn. Trước kia, gia đình anh cũng đã nuôi 1.000 con gà nhưng vì thiếu kiến thức về chăn nuôi, giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Qua tìm hiểu từ sách, báo và các buổi tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương rất phù hợp để chăn nuôi dê, hơn nữa dê là loài vật dễ nuôi, chuồng trại đơn giản, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên, ít tốn công chăm sóc mà còn có giá trị kinh tế cao. Đầu  năm 2017, anh vay 50 triệu đồng và năm 2019 anh tiếp tục vay thêm 50 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện (chương trình vay hộ mới thoát nghèo) đầu tư chăn nuôi dê sinh sản. Mới đầu, gia đình anh chỉ dám mua 15 con dê giống địa phương về nuôi, nhưng nhờ biết cách áp dụng những kiến thức đã được học tại các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội tổ chức từ khâu làm chuồng trại, cho đến việc theo dõi quản lý đàn dê, định kỳ anh Đức còn tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Sau gần 3 năm, đàn dê của gia đình anh đã tăng lên hơn 60 con, mỗi năm anh bán  ra 30 con, thu lãi từ 70-80 triệu đồng. Năm 2018 gia đình anh Đức đã vươn lên thoát nghèo.

Trang trại nuôi dê của anh Lê Hoàng Đức 

Để có được thành quả như ngày hôm nay, là một sự cố gắng, tìm tòi, học hỏi không ngừng của gia đình anh. Anh Đức tâm sự: “Dê là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây Dê đều có thể ăn được, con Dê có sức đề kháng cao; chuồng trại không đòi hỏi diện tích lớn nên cũng không tốn kém nhiều. Nuôi một con dê trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, thời điểm này dê sẽ đạt trọng lượng từ 30- 40kg/con, trung bình hai năm dê đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 1- 2 con. Nhu cầu tiêu thụ dê ở địa phương cũng tương đối cao nên cũng rất yên tâm về đầu ra. Tuy nhiên chăn nuôi dê cũng gặp nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm giao mùa dê hay bị bệnh. Do vậy cách chăm sóc luôn chú ý tới việc vệ sinh hàng ngày phải sạch sẽ, cho dê ăn no, uống nước sạch, chuồng trại luôn đảm bảo thoáng mát”. 

 Nhờ ham học hỏi mà mô hình nuôi dê của anh Lê Hoàng Đức đem lại hiệu quả kinh tế cao, xứng đáng là gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, là một địa chỉ để nông dân học tập và nhân rộng mô hình. Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác chăn nuôi dê.

Phan Văn Hữu Trí – Chủ tịch Hội Nông dân xã