Site banner
Thứ bảy, 20. Tháng 4 2024 - 23:38

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm

Thời gian qua, tình hình vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi, tàng trữ trái phép trong nhân dân ở các địa phương còn nhiều; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn một số sơ hở, thiếu sót; tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí để gây án giết người, cướp tài sản, giải quyết mâu thuẫn, trả thù cá nhân, chống người thi hành công vụ hoặc cưa phá bom mìn, đầu đạn lấy thuốc nổ để buôn bán đã xảy ra nhiều vụ việc làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Vào khoảng 03 giờ, ngày 11/02/2017, trên Quốc lộ 60 thuộc địa bàn huyện Châu Thành xảy ra vụ dùng vũ khí nóng (súng K59) giải quyết mâu thuẫn với nhau giữa 02 nhóm thanh niên gồm: 01 nhóm khoảng 07 người do Cúng Hữu Thắng, sinh năm 1992, quê ở Bình Thuận là đối tượng không có nơi cư trú ổn định cầm đầu, mâu thuẫn với nhóm của Đỗ Đức Khiêm, sinh năm 1987, ở tỉnh Tiền Giang (nhóm này khoảng 04 người); đối tượng Cúng Hữu Thắng sử dụng súng bắn làm Đỗ Đức Khiêm và người cùng nhóm tên Ngô Quốc Toàn bị thương khi ngồi trên xe taxi. Nguồn gốc khẩu súng K59 và đạn được các đối tượng khai mua về tàng trữ tại nhà, nhằm mục đích khi có mâu thuẫn với người khác lấy ra sử dụng. Sau khi gây án xong các đối tượng trong nhóm giải tán và đưa khẩu súng cho đối tượng trong nhóm tên Phan Tấn Lộc đem về nhà tại địa chỉ số 304C, khu phố 6, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre chôn giấu. Vụ việc Cơ quan Công an đã điều tra, làm rõ và khởi tố hình sự 07 đối tượng theo quy định của pháp luật.

Phiên toà xét xử vụ án sử dụng súng bắn trái phép tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Nguồn Báo Đồng Khởi

- Lúc 20 giờ, ngày 12/11/2017, tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành xảy ra vụ giết người. Nguyên nhân do mâu thuẫn từ trước, 03 đối tượng gồm: Nguyễn Đặng Khá (Quẹo), sinh 1998, Trần Quốc Trường, sinh 1998 cùng ĐKTT xã Tân Thạch và Nguyễn Nhựt Trường, sinh 1990, ĐKTT xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành mang theo súng bắn bi và dao tự chế đến đánh nhau với Phạm Văn Phước, sinh năm 1985, ĐKTT thị trấn Châu Thành và Châu Tiến Quốc (Nhuỗi), sinh 1986, ĐKTT xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Hậu quả, Phạm Văn Phước bị thương và chết tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, Châu Tiến Quốc bị thương và đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, 03 đối tượng liên quan đã ra đầu thú. Cơ quan Công an đang củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình nêu trên, mọi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và không được thu gom, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ như: Súng quân dụng, bom, mìn, súng hơi các loại, súng tự chế, súng bắn hơi nén cồn, lựu đạn nổ, lựu đạn hơi cay, đèn pin chức năng roi điện, gậy sắt ba khúc và các loại vũ khí thô sỏ có khả năng gây sát thương như: Dao găm, kiếm, giáo mác, mã tấu, lưỡi lê…; không sử dụng vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức; không tiếp tay, giúp sức cho những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, hung khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháo tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời khi có vụ việc xảy ra, không để bọn tội phạm, kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào việc tàng trữ, buôn bán, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Trong trường hợp phát hiện các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, bom mìn rơi vãi ngoài xã hội phải giữ nguyên hiện trạng, cử người trông coi và báo ngay chính quyền địa phương (hoặc cơ quan Công an, Quân sự) để xử lý kịp thời; các tổ chức, cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ tuyệt đối không được thu gom, xử lý… nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân.

Các tổ chức và cá nhân không sản xuất, chế tạo, rèn đúc, tàng trữ, mua bán (VK, VLN, CCHT) và các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm như: Các loại đồ chơi có hình dạng giống như súng, súng hơi, súng nén lò xo, súng bắn điện, súng phun nước, súng phát quang học hoặc bắn gây nổ, súng bắn bi; các loại bật lửa có hình dạng như lựu đạn, súng ngắn, các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung nỏ làm bằng gỗ, nhựa, giấy nén, côn…Không mua bán (nhất là trên mạng Internet), tràng trử, sử dụng VK, VLN, CCHT dưới mọi hình thức; nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT; thường xuyên kiểm tra, quản lý, giáo dục con em, thanh thiếu niên trong gia đình không để vi phạm; không thu mua, cưa tháo các loại bom, mìn để lấy phế liệu, thuốc nổ, ngòi nổ; tự nguyện giao nộp các loại vũ khí đang quản lý, sử dụng; đối với vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm và đồ gia bảo phải liên hệ Công an xã, thị trấn để được cấp giấy xác nhận theo quy định.

Người dân cần nêu cao tinh thần đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Khi phát hiện các trường hợp có sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo nổ đề nghị mọi người báo ngay Công an nơi gần nhất hoặc qua số điện thoại 113 (chỉ cần bấm 113 kể cả điện thoại bàn và di động, không tính phí của người gọi) để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Những tập thể, cá nhân tích cực trong việc phát hiện, tố giác, bắt giữ tội phạm nói chung và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháo nói riêng sẽ được khen thưởng xứng đáng theo quy định của nhà nước.

Tại Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như

Điều 10: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm; lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền; sử dụng các loại pháo mà không được phép.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa; sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép; sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép; mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

* Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 306: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ 

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, người dân nên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư

Ban Biên tập website HND - Phòng PV 05