Site banner
Thứ sáu, 29. Tháng 3 2024 - 6:20

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Phát huy tiềm năng thế mạnh, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương

Thời gian qua, phong trào thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và xóa đói giảm nghèo bền vững đã tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân phát triển, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao và nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương.

Phong trào nông dân SXKD giỏi đã giúp nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu

Tại thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. TP Thanh Hóa hiện đã có 10.719 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân SXKD giỏi các cấp.
 
Từ năm 2015 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 20.850 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp mở 20 lớp dạy nghề ngắn hạn tại phường Đông Cương, Đông Vệ, Quảng Thắng... Hội ND thành phố còn làm tốt vai trò cầu nối giữa các ngân hàng với hội viên, nông dân địa phương. Đến nay, tổng số vốn ủy thác của các ngân hàng là trên 279 tỷ đồng cho 7.295 hộ vay phát triển sản xuất; tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội đang quản lý và sử dụng đạt trên 1 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng giúp xây dựng các mô hình sản xuất để tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Ngoài ra, Hội còn liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, cung ứng chậm trả hàng nghìn tấn phân bón bảo đảm chất lượng các loại cho nông dân.
 
Tại gia trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Quang, ở thôn 5, xã Thiệu Vân, trước đây nguồn thu nhập của gia đình anh Quang chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ chịu khó chăm sóc và được sự giúp đỡ của Hội ND xã, hiện nay mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình anh Quang có trên 2.000 con thỏ. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh lãi trên 100 triệu đồng.
 
Gia đình anh Lê Văn Hạnh, ở phố Kết, phường Đông Thọ với mô hình trồng hoa, cây cảnh; ngoài 1 ha đất tại địa phương, gia đình anh còn thuê thêm 5 ha đất ở xã Quảng Phong (Quảng Xương) và 5 ha đất ở xã Hoằng Quang để mở rộng diện tích, xây dựng trang trại. Hàng năm sau khi trừ chi phí gia đình anh có lãi từ 1 đến 1,2 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp Hội, nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã vượt khó xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Vĩnh ở thôn 3, xã Cư Elang (huyện Ea Kar). Hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Vĩnh đã mạnh dạn phá bỏ 5 ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái gồm quýt, bưởi da xanh và cam. Năm 2017, gia đình ông Vĩnh đã bán ra thị trường 50 tấn quýt, 60 tấn cam và 5 tấn bưởi. Với giá bán trung bình 22.000 đồng/kg quýt, 16.000 đồng/kg cam và 30.000/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
 
Năm 2017, toàn huyện Ea Kar có 6.790 hộ được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 83,82%). Nông dân trên địa bàn huyện còn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới: trong năm 2017, nông dân các địa phương đã hiến 5.406 m2 đất, 1.620 cây trồng các loại, 2.368 ngày công, đóng góp 6,5 tỷ đồng, làm mới và tu sửa được 131 km đường giao thông nông thôn.
 
Bằng nhiều biện pháp triển khai hiệu quả, Hội ND các cấp trong huyện Ý Yên (Nam Định) đã chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống, cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
 
Điển hình như: Phong trào xây dựng trang trại, gia trại ở xã Yên Thọ. Từ sự hỗ trợ giúp đỡ của Hội ND, nhiều gia đình hội viên đã tìm được hướng đầu tư hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Xã Yên Thành (huyện Ý Yên) là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông, hằng năm, diện tích cây trồng vụ đông của xã có từ 100-120ha. Trước đây, người dân nơi đây chủ yếu trồng khoai lang, khoai tây nhưng hiệu quả không cao. Thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, Hội ND xã đã tuyên truyền, vận động hội viên trồng, canh tác các loại cây trồng có giá trị cao như: Bí xanh, cà chua, ngô bao tử, dưa chuột bao tử… Vì vậy, những năm gần đây, diện tích cây trồng có giá trị thu nhập cao đã được hội viên nông dân triển khai mở rộng. Nhiều xóm có phong trào trồng vụ đông mạnh như xóm Vạn Phúc, Thanh Trung, Đô Hoàng, Đông Phú… Nhiều hộ đã có thu nhập từ 80-90 triệu đồng/sào vụ đông. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Len, gia đình ông Nguyễn Văn Vỵ ở xóm Vạn Phúc trồng 2 đến 3 sào dưa bao tử…
 
Để tiêu thụ được sản phẩm này, thông qua Hội ND xã, các hộ nông dân đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Cty Minh Hiền (Hà Nam). Chị Nguyễn Thị Len cho biết, sản phẩm sau thu hoạch của gia đình chị và các hộ nông dân trong xóm được Công ty về tận nơi thu mua với giá ký kết theo hợp đồng.
 
Nét nổi bật trong phong trào nông dân SXKD giỏi ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) là một số hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở bến bãi, mua tàu vận chuyển, khai thác cát sỏi, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, thu nhập hàng năm đạt vài trăm triệu đồng. Điển hình như mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Thao, chị Nguyễn Thị Thơ - hội viên chi hội 4 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Từ hai bàn tay trắng, anh chị gây dựng cơ nghiệp bằng chăn nuôi lợn, vay vốn đầu tư chuồng trại, làm đại lý thức ăn chăn nuôi, nuôi hàng trăm con lợn nái và bột. Nhận thấy thị trường Hà Nội tiêu thụ lợn tốt, anh Thao nhận thu mua, vận chuyển lợn xuống các lò mổ tại Hà Nội nên năm nay dù giá lợn có sụt giảm song thu nhập của gia đình vẫn đạt gần 500 triệu đồng/năm.
 
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu của mỗi hội viên nông dân. Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, khai thác tiềm năng đất đai, lao động và nguồn vốn của các hộ nông dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phạm Hà