Site banner
Thứ sáu, 29. Tháng 3 2024 - 20:49

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Mô hình chuyên canh dừa xiêm xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhắc đến Bến Tre, người dân trên mọi miền Tổ quốc nghĩ ngay đến hai tiếng gọi thân thương “Xứ dừa” và khi một ai đó đi xa quê hương, dù thời gian dài hay ngắn, thì vẫn mang trong mình một cảm giác chung là “Thấy dừa lại nhớ Bến Tre”. Không biết từ bao giờ, đất và người Bến Tre đã gắn liền với hình ảnh cây dừa, thậm chí, cây dừa còn mang tính biểu tượng cho cả đất và người Bến Tre. Cây dừa đã đi vào đời sống hàng ngày, đi vào cả thơ ca, nhạc, họa gắn liền với đời sống lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương của người dân Đồng Khởi anh hùng. Ngoài những giá trị tinh thần to lớn đó, cây dừa đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế của người dân Bến Tre, được tỉnh chọn là cây trồng chủ lực để hỗ trợ về cơ chế, chính sách, kỹ thuật sản xuất gắn với công nghiệp chế biến hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu bền vững.

Anh Trần Văn Thạnh được tôn vinh Nông dân Bến Tre xuất sắc lần 2, giai đoạn 2018-2020

Nói đến công dụng của cây dừa thì hiện nay hầu như người dân Bến Tre không bỏ phí bất cứ một bộ phận nào của cây mà tận dụng 100% như: thân lấy gỗ làm nhà cửa, đồ thủ công mỹ nghệ; rễ trộn với các giá thể khác ươm cây giống; cọng lá dừa làm chổi, đan giỏ; lá, tàu, mo nang dừa khô làm chất đốt; hoa, lá dừa non làm mật dừa, hoa dừa, trang trí cổng cưới; nước dừa, cơm dừa được chế biến ra rất nhiều sản phẩm như sữa dừa, dầu dừa, thạch dừa, nước màu dừa; vỏ dừa làm giá thể trồng lan, lấy chỉ dệt thảm, mụn dừa làm giá thể trồng cây giống, hoa kiểng; gáo dừa làm than thiêu kết,… Với công năng gần như tuyệt đối, nên dù theo thời gian, giá cả thị trường thu mua dừa có khi sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống nhưng người dân Bến Tre vẫn bám trụ với cây dừa. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân các cấp kết hợp với sự cần cù, chịu khó, sáng tạo của mình, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi để phù hợp với xu thế hiện nay. Cụ thể là cán bộ, hội viên, nông dân đã mạnh dạn tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết trồng dừa; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, đặc biệt là phòng trị bọ dừa, đuông dừa, sâu đầu đen hại dừa; chuyển đổi từ trồng dừa thông thường, dừa lấy dầu sang trồng dừa hữu cơ, dừa uống nước… đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu trong những hội viên, nông dân trồng dừa đạt hiệu quả cao là anh Trần Văn Thạnh, ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre với 11.000 m2 trồng dừa xiêm xanh. Anh chia sẻ ban đầu gia đình anh cũng trồng cây sơ ri như những hộ dân xung quanh khu vực nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy thế mạnh của cây dừa từ xưa đã phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Bến Tre, kết hợp với chủ trương của tỉnh về tiếp tục phát triển cây dừa trở thành cây chủ lực, đặc biệt qua nghiên cứu thị trường, tiếp cận các lớp tập huấn của Hội Nông dân, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sơ ri sang dừa xiêm xanh. Với đặc tính dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn chỉ từ sau 02 đến 2,5 năm trồng, năng suất cao từ 200 - 300 trái/cây/năm, anh nhận thấy dừa xiêm xanh là cây trồng phù hợp với điều kiện của mình. Hiện tại, vườn của anh có hơn 300 cây dừa xiêm xanh, cho thu hoạch khoảng 52.800 trái/năm, hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 312.000.000 đồng/năm.

Khi được hỏi về yếu tố thành công của việc trồng cây dừa xiêm xanh, anh Thạnh chia sẻ yếu tố giúp anh có được thành công đó chính là việc lựa chọn nguồn giống đạt chất lượng vì thời điểm đó có nhiều giống dừa xiêm được bán tràn lan trên thị trường, nếu không rõ xuất xứ nguồn gốc thì chất lượng sẽ không bảo đảm. Cây giống được anh mua từ các hộ dân đã trồng trước đem về ươm, đến khi cây cao khoảng 50 cm mới đem ra trồng; hố trồng được anh chuẩn bị kỹ càng với việc mua mụn dừa và phân bò ủ Tricoderma khoảng 4 tháng cho phân oai mới đem bón trong hố trồng và đặt cây giống xuống. Để cho dừa sai trái, anh Thạnh cho biết mỗi tháng anh bón phân định kỳ một lần, mỗi cây bón bình quân từ 150 - 200 gram kết hợp với phân hữu cơ, đồng thời theo dõi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đục thân, hại trái non, bọ dừa, sâu đầu đen theo hướng dẫn an toàn sinh học. Hàng năm, anh còn bồi bùn cho vườn dừa, có hệ thống cống thoát nước vào mùa mưa và tưới nước vào mùa nắng để dừa không bị ngập úng hoặc treo trái. Ngoài việc bón phân, phun thuốc định kỳ, anh còn dọn sạch nhen dừa, mo nang để tán cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, bông trổ đều, không bị rụng bông và dễ thụ phấn. Theo anh Thạnh, giống dừa xiêm xanh được thị trường rất ưa chuộng nhờ dáng trái đẹp, nước ngọt thanh, khả năng tiêu thụ cao và bền vững.

Từ mô hình trồng dừa xiêm xanh uống nước, ngoài việc tạo ra thu nhập ổn định cho gia đình, anh còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương với khoảng 160 ngày công/năm trong việc bón phân, phát cỏ, bồi đất… Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, bản thân anh còn thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào do cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân địa phương tổ chức; tích cực đóng góp 260 m2 đất, 30.000.000 đồng làm đường giao thông nông thôn; đóng góp quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống lụt bão, giữ gìn an ninh trật tự,... Đồng thời, với những kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn và tích lũy qua thực tiễn, anh còn thường xuyên chia sẽ kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc cây dừa cho các hộ dân khu vực lân cận để phát triển kinh tế. Anh vinh dự ba lần được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh với các thành tích: đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2014; đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Bến Tre lần thứ V, giai đoạn 2014 - 2019; đã đạt tiêu chí hộ gia đình nông dân trồng dừa tiêu biểu tại Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V, năm 2019; Danh hiệu “Nông dân Bến Tre xuất sắc” giai đoạn 2018 - 2020.

Cây dừa xiêm xanh là đặc sản của tỉnh Bến Tre, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, giá cả tương đối cao và ổn định. Qua thực tế sản xuất của anh Trần Văn Thạnh cho thấy, mô hình trồng dừa xiêm xanh uống nước rất có triển vọng, mở ra hướng làm giàu cho người dân trên địa bàn nếu gắn với chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ tích cực tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân có điều kiện cùng tham gia để phát triển mô hình; khuyến khích, vận động  hội viên, nông dân tập trung xây dựng và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất hữu cơ, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp nông dân tăng cao hiệu quả kinh tế một cách bền vững.

Ban Kinh tế- Xã hội Hội Nông dân tỉnh