Site banner
Thứ bảy, 20. Tháng 4 2024 - 12:06

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Mỏ Cày Nam tọa đàm liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ

Sáng ngày 26 tháng 08 năm 2022, tại Nhà văn hóa xã Định Thủy, Hội Nông dân huyện Mỏ cày Nam tổ chức tọa đàm “Liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ huyện Mỏ Cày Nam”. Tham dự tọa đàm có ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Chánh Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp; ông Nguyễn Nhựt Trường – chuyên viên Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Văn Nhạn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; ông Đỗ Hoàng Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; ông Đặng Thanh Tùng – Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện; đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân các xã, thị trấn, 06 doanh nghiệp hợp đồng thu mua dừa cùng 145 hội viên nông dân đại diện cho các Hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dừa trên địa bàn huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy “về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuổi giá trị nhóm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 định hướng đến 2030”, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình Hội Nông dân các cấp trong huyện không ngừng ra sức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện cải tạo dừa kém hiệu quả sang trồng những giống dừa có năng suất, chất lượng cao, tuyển chọn giống đầu dòng thực hiện trồng xen, nuôi xen để nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích. Hội còn phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện kịp thời cho nông dân. Đến nay, Hội thành lập 29 tổ hợp tác trồng dừa với 451 thành viên đang hoạt động có hiệu quả theo Nghị định 77-CP của chính phủ, tham gia thành viên 15 Hợp tác xã nông nghiệp với hơn 1.500 thành viên. Đặc biệt, Hội đã thành lập 04 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp trồng dừa với hơn 125 thành viên. Với những việc làm tích cực, hiệu quả cùng với sự tham gia tích cực của nông dân, đến nay trên địa bàn huyện đã có trên 6.045 vườn dừa đang thực hiện quy trình chứng nhận hữu cơ với tổng diện tích là 5.296,8 ha (chiếm; 31,3% tổng diện tích dừa trong huyện), trong đó có 4.760 vườn được chứng nhận hữu cơ với diện tích là 4.203 ha (đạt 24,92%/tổng diện tích dừa của huyện). Điểm nổi bật là trong Lễ hội Văn hóa xứ dừa năm 2022, những món ăn truyền thống  có nguồn gốc từ dừa, hương vị từ dừa được nhân dân chế biến những món ăn truyền thống thu hút đông đảo nhân dân tham gia, đây cũng là cơ sở, tiền đề cho việc phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới. Việc liên kết mua, bán dừa giữa doang nghiệp và nông dân hiện nay được thực hiện thông qua với hình thức hợp đồng với các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ huyện Mỏ Cày Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định đó là: Một bộ phận nông dân chậm chuyển đổi giống dừa có năng suất, chất lượng cao, còn canh tác dừa theo phương thức truyền thống, vì vậy ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến tính đồng bộ về nâng cao chất chất lượng cây dừa. Các doanh nghiệp thu mua dừa trên địa bàn huyện ký hợp đồng còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số hộ cũng như tổng diện tích dừa trên địa bàn huyện hiện nay. Trong khi đó, tiêu chuẩn dừa hữu cơ giữa các doanh nghiệp thu mua dừa trên địa bàn huyện cũng khác nhau, vì vậy ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến chênh lệch về giá cả và phương thức chăm sóc đồng bộ cho cây dừa. Việc liên kết được thực hiện nhưng đôi lúc thiếu chặt chẽ, còn mang tính đơn lẻ ở từng địa phương dẫn đến manh múng vùng nguyên liệu.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Trong buổi tọa đàm, Ban chủ trì báo cáo thực trạng và đánh giá về liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ huyện Mỏ Cày Nam trong thời gian qua, tình hình hoạt động của các mô hình kinh tế, tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện, đồng thời định hướng những giải pháp để trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả hơn. Phát biểu tham luận đại biểu đã nêu những ý kiến xoay quanh đến việc thành lập, tham gia và phương thức hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, việc thực hiện, chăm sóc dừa hữu cơ, trình trạng sâu đầu đen trên vườn dừa và những biện pháp phòng, chống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thu mua dừa trên địa bàn huyện cam kết trong thời gian tới sẽ phối hợp cùng với địa phương xây dựng vườn dừa hữu cơ để hình thành vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp; kịp thời thông tin giá cả thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại và cam kết thu mua dừa của nông dân theo hợp đồng ký kết. Những ý tham luận, đối thoại của đại biểu được Ban chủ trì giải đáp thỏa đáng nên đại biểu tham dự an tâm, tin tưởng hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể trong thời gian sắp tới và tự nguyện tham gia thực giản liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Nhạn, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện mong muốn lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các cấp, các ngành trong huyện thực hiện việc liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn huyện đạt kết quả cao hơn. Hội Nông dân các cấp trong huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện liên kết sản xuất phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn huyện theo kế hoạch đề ra. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thiết thực, đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương, xây dựng vườn dừa kiểu mẫu, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay để khuyến khích nông dân trồng dừa. Tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện quy trình chăm sóc dừa hữu cơ, tham gia các mô hình kinh tế tập thể mà trọng tâm là tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương để việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ có hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nông dân trồng dừa. Đối với các doanh nghiệp thực hiện thu mua dừa theo hợp đồng đã ký kết với nông dân, kịp thời thông tin giả cả thị trường nhu cầu trong nước và xuất khẩu để nông dân trồng dừa an tâm sản xuất. Đối với nông dân trồng dừa cần kịp thời thay đổi giống mới, mạnh dạng áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng cây dừa, phòng, trừ sâu đầu đen, nhằm tạo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mạnh dạng tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, tuân thủ hợp đồng bán dừa cho các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho cây dừa hiện nay cũng như thời gian tới.

Sau buổi tọa đàm này, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, củng cố hoạt động các mô hình kinh tế tập thể để làm cơ sở, tiền đề cho việc liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn huyện đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.

Nguyễn Văn Hết, HND huyện Mỏ Cày Nam