Site banner
Thứ ba, 6. Tháng 6 2023 - 23:35

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại!                                                                                                                                                                                                        Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028!

Huyện Thạnh Phú, CLB Nông dân tỷ phú làm hạt nhân nông cốt trong phát triển kinh tế hợp tác

Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú Huyện Thạnh Phú được thành lập vào ngày 09 tháng 01 năm 2021 có 26 thành viên, do ông Trần Văn Tơ làm chủ nhiệm, phần lớn các thành viên CLB làm nghề nuôi tôm công nghệ cao.
Phương chăm hoạt động của Câu lạc bộ là vận động, tập hợp hội viên nông dân nuôi tôm lại để liên kết, chia sẽ cùng nhau phát triển và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả mà thế mạnh là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Tính đến tháng 11 năm 2022 Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đã có 41 thành viên tham gia.

Thành công lớn nhất của câu lạc bộ là việc phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Người tiên phong đi đầu trong việc phát triển mô hình này chính là anh Đặng Văn Bảy, ấp Đại Thôn xã Thạnh Phong.Anh Bảy cho biết, với số vốn ban đầu chưa tới 200 triệu đồng và 15.000m2 đất anh đã đầu tư vào 02 ao nuôi, đến nay anh Bảy đã mở rộng diện tích nuôi lên đến 50ha, trong đó có 25ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín, sản lượng tôm thương phẩm đạt bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha, trọng lượng 15 con/kg với giá bán từ 200.000 đến 250.000đ/kg, tổng sản lượng đạt 400 tấn/năm, tổng doanh thu mỗi năm từ 80 đến 100 tỷ đồng, lợi nhuận gần 30 tỷ đồng/năm. Hiện tại anh Bảy đã giải quyết việc làm cho trên 80 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm.

Anh Đặng Văn Bảy với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Cùng thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ  cao còn có nông dân Lê Văn Sấm (tức Ba Sấm). Anh sinh năm 1958, ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Anh Ba Sấm chia sẽ “gắn bó với nghề nuôi tôm biển hơn 20 năm, trải qua nhiều thất bại nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu từ con tôm thẻ, từ mô hình nuôi chuyên canh công nghệ cao, anh không nản chí, không bỏ cuộc”. Chính sự ham học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đến nay, nông dân Lê Văn Sấm đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với diện tích nuôi trên 40 ha, sản lượng trung bình đạt từ 17-22 tấn/ha, mỗi năm sản lượng tôm thịt bán ra thị trường trên 1.000 tấn, trừ chi phí đầu tư, nông dân Lê Văn Sấm thu lợi nhuận trên 50 tỷ đồng.Hiện tại nông dân Lê Văn Sấm đã giải quyết việc làm cho trên 110 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm.

Nông dân Lê Văn Sấm với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính

Câu lạc bộ là nơi để các thành viên kết nối, chia sẻ kinh để cùng nhau phát triển. Định kỳ sinh hoạt 02 tháng một lần đã tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên trong câu lạc bộ trao đổi, định hướng và giúp đỡ những thành viên mới tham gia có đủ điều kiện phát triển mô hình. Từ sự giúp đỡ, chia sẽ kinh nghiệm mô hình nuôi hiệu quả của anh Bảy An, anh Ba Sấm, anh Tư Sia,…đã giúp cho thành viên CLB tự tin và mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, điển hình như anh Yêm, anh Thừa, anh Trực,.. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Câu lạc bộ đã phát triển mới 40 ha chuyên nuôi tôm công nghệ cao, nâng tổng diện tích nuôi của mô hình lên 250 ha. Tổng sản lượng tôm thương phẩm hàng năm đạt trên 2.700 tấn, trong đó tiêu biểu nhất là mô hình của anh Ba Sấm, hàng năm lợi nhuận trên 50 tỷ đồng, mô hình của anh Bảy An cũng thu lợi trên 30 tỷ đồng mỗi năm.

Song song với việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi, thành viên câu lạc bộ đã nhận thức được rằng, để nâng tầm giá trị của con tôm thì phải tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, phải xây dựng được thương hiệu của con tôm Thạnh Phú, từ đó các thành viên đã tích cực tham gia vào hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao của huyện nhà. Đến nay, câu lạc bộ có 9 thành viên tham gia hợp tác xã.

Chính nhờ sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm của từng thành viên trong câu lạc bộ, người đi trước định hướng cho người đi sau; sự nhạy bén trong ứng dụng khoa học công nghệ vào từng thời điểm nuôi, đã giúp cho từng thành viên câu lạc bộ gặt hái được rất nhiều thành công, diện tích và sản lượng vụ sau tăng hơn vụ trước. Sự thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao đã khẳng định được tính hiệu quả của câu lạc bộ, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân ở khu vực tiểu vùng 3 của quê hương Thạnh Phú./.

Đặng Khởi, HND huyện Thạnh Phú