Trên địa bàn xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc phần lớn hội viên, nông dân phát triển kinh tế vườn kết hợp với ngành nghề cây giống, hoa kiểng và chăn nuôi. Do điều kiện tự nhiên của xã được thiên nhiên ưu đãi, với đất đai được phù sa bồi đắp, nhất là nước ngọt gần như quanh năm nên có điều kiện thuận lợi cho sản xuất cây giống, trồng và phát triển các loại cây ăn trái như: bưởi da xanh, cam, quýt, dừa… Nhiều nông dân trong xã đã tận dụng tốt nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mạnh dạng đầu tư, mở rộng sản xuất tăng thu nhập gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ảnh: Chị Trần Thị Kha Ly chăm sóc vườn cau kiểng
Để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân của xã dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn, nhất là các hộ khó khăn đang rất cần vốn đầu tư phát triển sản xuất, trong thời gian qua Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 369 hộ vay, với số tiền gần 9,4 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân từ nguồn vốn vay quỹ Quốc gia giải quyết việc làm được 16 hộ, với tổng dư nợ là 575 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạng đầu tư làm ăn có hiệu quả, tăng thu nhập gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Điển hình như mô hình sản xuất và nhân giống cây cau kiểng (cau Đài Loan) của chị Trần Thị Kha Ly - Chi Hội phó chi Hội Nông dân ấp Thanh Xuân 3, xã Thanh Tân. Với nguồn vốn vay 30 triệu đồng vào năm 2019, gia đình chị Kha Ly mua 200 bụi cau về và tách ra thành 400 bụi để trồng. Sau 6 tháng ra dày công vun trồng và chăm sóc, chị đã bán được 200 bụi; đồng thời tiếp tục nhân giống thêm 200 bụi. Cứ thế, hằng năm chị trồng, chăm sóc và bán thu lợi nhuận về khoảng 30 triệu đồng/năm. Không những thế, chị Ly còn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn cho 8 hộ là hội viên, nông dân của xã cùng nhau sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.
Theo ông Phạm Văn Giới-Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tân cho biết trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện kịp thời hỗ trợ về vốn cho hội viên, nông dân. Chú trọng đến công tác tìm đầu ra ổn định cho người dân để những mô hình làm ăn có hiệu quả giống như gia đình của chị Kha Ly tiếp tục an tâm mở rộng sản xuất và nhận rộng trên địa bàn xã Thanh Tân. Đây cũng là tiền đề cần thiết để Thanh Tân xây dựng thành công chuỗi giá trị ở địa phương, nhằm từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững./.