Site banner
Thứ ba, 6. Tháng 6 2023 - 22:56

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại!                                                                                                                                                                                                        Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028!

Hội Nông dân xã Mỹ An 20 năm đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai tốt tín dụng chính sách

 

Hội Nông dân xã Mỹ An là một trong 04 tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hoạt động ủy thác với NHCSXH. Đến 30/10/2022, dư nợ ủy thác do Hội Nông dân quản lý là 21 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 52,5% dư nợ ủy thác của xã), với 582 hộ còn dư nợ tại 11 Tổ TKVV, phân bổ đều trên 6 ấp. Số dư tiền gửi tổ viên thông qua Tổ TK&VV đạt 1.347 triệu đồng, bình quân 2,3 triệu đồng/tổ viên. Trong nhiều năm qua, chất lượng hoạt động ủy thác được duy trì ổn định, không có nợ quá hạn, 100% Tổ TK&VV đều xếp loại tốt.

Nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của Hội Nông dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cũng như vai trò quan trọng của vốn tín dụng chính sách trong hỗ trợ người nghèo, các đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo, Hội Nông dân xã tích cực phối hợp với NHCSXH huyện Thạnh Phú để triển khai thực hiện tốt các nội dung đã ký kết trong Hợp động ủy thác, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, trong đó có hội viên, nông dân.

Một buổi sinh hoạt tổ TK&VV có sự tham dự của lãnh đạo Hội Nông dân huyện

Nguồn vốn do Hội Nông dân nhận ủy thác luôn được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng tín dụng và mang lại hiệu quả cao, các Tổ TK&VV được thành lập và hoạt động theo đúng quy định, thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy nhiệm. 100% hộ vay vốn thuộc Hội quản lý đều được kiểm tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm sâu sát đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của Hội, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý nguồn vốn ủy thác.

Trong 20 năm qua, với hoạt động nhận ủy thác cho vay, Hội Nông dân xã đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, với tổng doanh số cho vay đạt 62 tỷ đồng cho 2.818 lượt khách hàng vay vốn, đã giúp cho 654 hộ thoát nghèo, 92 lao động được tạo việc làm, 05 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 96 học sinh, sinh viên có điều kiện để học tập, xây dựng 57 ngôi nhà ở cho hộ nghèo, 1.129 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Việc triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề của Hội đã giúp vốn vay được sử dụng hiệu quả với nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi bò của hộ ông Cao Thanh Bình ấp Thạnh Mỹ, bà Lê Thị Tiến ấp An Hòa B, nay đã thoát nghèo, nhà cửa khang trang, hiện tại đàn bò có từ 5-8 con; mô hình bó chổi của hộ bà Nguyễn Thị Chi ấp An Hòa từ hộ nghèo vay vốn để mua nguyên liệu bó chổi nay đã thoát nghèo, trở thành một cơ sở bó chổi giải quyết việc làm cho 15 lao động nhàn rỗi tại địa phương,… Kết quả hoạt động ủy thác của Hội Nông dân xã đã được NHCSXH huyện, cấp ủy, chính quyền và hội viên, nông dân trong xã ghi nhận đánh giá cao.

Đạt được kết quả trên là do Hội Nông dân xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể nhận ủy thác và trưởng ấp để thực hiện có hiệu quả hoạt động ủy thác, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện trong việc triển khai các chương trình tín dụng; thông qua các buổi tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ TK&VV, tham dự họp giao ban hằng tháng tại Điểm giao dịch xã để nắm bắt kịp thời các chính sách tín dụng mới, phản ảnh các khó khăn, tồn tại và cùng cấp ủy, chính quyền, cán bộ NHCSXH đề ra giải pháp tháo gỡ.

Thứ ba, phân công nhiệm vụ hợp lý cho Ban thường vụ Hội trong thực hiện công tác ủy thác, mỗi thành viên đều có trách nhiệm trong quản lý vốn nhận ủy thác; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của Tổ TK&VV tại địa bàn được phân công theo dõi để có giải pháp hỗ trợ kịp thời; bám sát cùng Ban quản lý Tổ TK&VV trong việc tổ chức bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, xử lý những trường hợp nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng, bỏ đi khỏi nơi cư trú.

Thứ tư, chủ động tham mưu cho UBND xã trong việc chỉ đạo Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi trong việc lập danh sách và xử lý những hộ có nợ quá hạn, lãi tồn cao; phối hợp với Ban quản lý Tổ TK&VV nắm bắt các trường hợp hộ vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, thông báo đến Ngân hàng kịp thời, đồng thời phối hợp các thành phần có liên quan trong việc xác minh, lập hồ sơ xử lý rủi ro đúng quy định. Với vai trò là thành viên Ban giảm nghèo xã, đồng chí Chủ tịch Hội đã tham mưu cho UBND xã trong việc lập và giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng phù hợp với thực trạng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo từng ấp.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đến hội viên, nông dân và các đối tượng thụ hưởng thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ định kỳ, hoặc lồng ghép tại các buổi tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề, khuyến nông, khuyến ngư,… Chú trọng tuyên truyền, quán triệt hộ vay nguyên tắc có vay, có trả để biết và thực hiện hoàn trả gốc, lãi đúng hạn, xóa bỏ nhận thức vốn tín dụng chính sách là ưu đãi cho không của Nhà nước.

Thứ sáu, hướng dẫn hộ vay lập dự án, sinh kế làm ăn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ; phối hợp với Tổ TK&VV giúp hộ vay hoàn thiện hồ sơ vay vốn để nhận vốn kịp thời; phân công cán bộ Hội thường xuyên thăm hỏi hộ vay, vừa động viên họ thực hiện tốt dự án sinh kế, vừa giúp họ tháo gỡ khó khăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thứ bảy, chú trọng việc củng cố, kiện toàn Tổ TK&VV, lựa chọn thành viên Ban quản lý Tổ TK&VV là những người tận tâm, nhiệt tình, có uy tín tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV về chứng kiến giải ngân, nộp lãi, gửi tiết kiệm tại phiên giao dịch cố định tại xã; thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất Tổ TK&VV để ngăn ngừa các vi phạm như chiếm dụng, vay ké, vay hộ,…; phân công cán bộ Hội tham gia 100% các cuộc họp Tổ TK&VV về bình xét cho vay, bổ sung tổ viên mới, bầu Ban quản lý Tổ… để  quán triệt Ban quản lý Tổ thực hiện tốt hợp đồng ủy nhiệm, tổ viên thực hiện tốt quy ước hoạt động Tổ (nộp lãi, gửi tiết kiệm qua Tổ đầy đủ hằng tháng, trả nợ gốc khi đến hạn, không gửi tiền trả nợ gốc cho Tổ trưởng hoặc cán bộ Hội,…).

Thứ tám, phối hợp với NHCSXH thông báo kịp thời đến Ban quản lý Tổ TK&VV danh sách hộ vay có nợ đến hạn trước 3 tháng để nhắc hộ vay chủ động trong việc trả nợ vay; thường xuyên tuyên truyền, vận động hộ vay thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng trong thực hành tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có, nhằm vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

Từ những việc làm trên, từng bước đã nâng dần chất lượng hoạt động ủy thác của Hội và hoạt động của các Tổ TK&VV do Hội quản lý, cùng NHCSXH triển khai thực hiện tốt Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Minh Triết, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện