Site banner
Thứ sáu, 29. Tháng 3 2024 - 17:43

Cán bộ, Hội viên, Nông dân tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại

Chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng đại dịch

Nhằm phần nào tháo gỡ khó khăn của người nông dân trong giai đoạn chịu ành hưởng lớn do dịch bệnh, Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm đã thực hiện nhiều giải pháp tức thời và có phương án lâu dài để tổ chức sản xuất, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Trên địa bàn huyện có các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như dừa, cây ăn trái, lúa, gia súc, gia cầm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích trồng dừa là 17.780 ha, sản lượng ước đạt 84,8 triệu trái. Dưới tán dừa trồng cây có múi, chuối,… kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt. Diện tích cây ăn trái ước 5.250 ha, sản lượng ước đạt 21.580 tấn; diện tích rau màu ước khoảng 220 ha, sản lượng ước đạt 1.980 tấn, với các chủng loại như khổ qua, bắp, dưa leo, cải các loại,… Tổng đàn gia súc, gia cầm là 1.359.000 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.115 ha gồm tôm càng xanh, cá nước ngọt các loại, tôm thẻ chân trắng và cá tra.

 

Ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm

 

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên sản lượng các loại nông sản (dừa khô, dừa xiêm các loại, gia súc, gia cầm,...) còn tồn đọng trong nhân dân rất lớn, một số sản phẩm kéo dài quá thời gian thu hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của nông dân. Một số sản phẩm nông nghiệp giảm giá ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ như gia súc, gia cầm.... Việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nên giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy sản) tăng nhẹ, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông hộ. Phần lớn các xã đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến ngày 17/8/2021 trên địa bàn huyện còn tồn đọng nhiều mặt hàng đến thời gian thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được như heo: 140 tấn, dê: 22 tấn, gia cầm: 40 tấn, dừa công nghiệp: 4,35 triệu trái, dừa xiêm: 89.600 trái, chanh: 11 tấn.

Trong thời gian qua, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, ủy ban nhân dân các xã thị trấn hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp thu mua nông sản nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định.  Một phần sản lượng dừa công nghiệp, dừa xiêm được duy trì cung cấp theo chuỗi cung ứng của các Doanh nghiệp hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO), Công ty TNHH Trái cây Mê Kông.

Hiện tại, nông dân tiếp tục thực hiện các giải pháp theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để kéo dài thời vụ thu hoạch (dừa công nghiệp, gia súc, gia cầm, cây có múi các loại), neo trái, chậm thời gian xuất chuồng… đợi đến thời gian hết giãn cách sẽ tiêu thụ. Một số địa phương tổ chức đội hình Shipper xanh, đội đi chợ thay góp phần tiêu thụ 1 phần nông sản của địa phương. Từ ngày 28/7 đến nay, đội hình Shipper xanh do Đoàn thanh niên phát động đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 16.000 kg nông sản, chủ yếu là rau màu.

Hàng ngày, huyện tổ chức rà soát các loại nông sản tồn đọng, chưa tiêu thụ được báo cáo về Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, đầu mối thu mua nông sản, nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt thiệt hại trong thời gian thực hiện giãn cách. Song song đó, xây dựng và triển khai kế hoạch thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện trong tình hình dịch Covid-19; phương án tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện trong tình hình dịch Covid-19 đến các ngành, các xã thị trấn để triển khai thực hiện. Thành lập tổ điều phối, hỗ trợ công tác thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện trong tình hình dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ quá trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện.

Đối với cây lúa, các ngành chuyên môn huyện, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiến hành theo dõi, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân thu hoạch lúa Hè Thu và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó chú trọng công tác huy động các máy thu hoạch, nhân công… đảm bảo chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện và thực hiện nghiêm nguyên tác 5K của Bộ y tế trong quá trình thực hiện. Diện tích thu hoạch vụ Hè Thu năm 2021: 820 ha, lúa giai đoạn chín-thu  hoạch, diện tích tập trung ở 4 xã Phong Nẫm, Châu Bình, Bình Thành và Tân  Thanh, đã thu hoạch 50 ha, thời gian thu hoạch đồng loạt từ 15/8 đến 30/8/2021.

Dừa công nghiệp, tham gia chuỗi liên kết với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre-Betrimex tại 02 xã Hưng Lễ và Thạnh Phú Đông; Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre-BEINCO tại xã Phước Long, một phần tiêu thụ qua các thương lái với khoảng 520.000 trái. Dừa uống nước, Công ty TNHH Trái cây Mê Kông liên kết tiêu thụ ổn định ở các xã Phong Nẫm, Châu Hòa,... một phần tiêu thụ thông qua một số thương lái tại địa phương, với khoảng 992.400 trái.

Sản lượng rau màu không nhiều nên chủ yếu tiêu thụ tại địa phương với các chủng loại dưa leo, đậu bắp, mướp, cải các loại, khổ qua...

Đối với cây ăn trái, chủ yếu là các loại cây có múi, cam quýt bưởi chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, huyện cũng thông tin nhu cầu thu mua bưởi da xanh của cơ sở Hương Miền Tây, huyện Mỏ Cày Bắc đến các xã, thị trấn để kết nối khi có sản lượng thu hoạch. Riêng chanh đang vào vụ thu hoạch, ước sản lượng thu hoạch trong tháng 20 tấn, hiện tồn 5,25 tấn chưa tiêu thụ được.

Đối với heo, một phần giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bên cạnh đó các hộ dân tự giết mổ và tiêu thụ tại Tổ nhân dân tự quản, ấp để hạn chế đi chợ, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực phẩm theo phương châm tại chỗ. Phần còn lại còn lưu chuồng, chưa xuất bán. Gia cầm, bò dê: chủ yếu tiêu thụ nội địa tại huyện. Tôm thẻ chân trắng: tiêu thụ cho thương lái trong và ngoài huyện.

Bà Đinh Thị Thanh Nhanh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm cho biết: “Hiện huyện tiếp tục thực hiện phương án khuyến cáo nông dân kéo dài thời vụ thu hoạch, neo trái, chậm thời gian xuất chuồng, …đối với những sản phẩm như dừa công nghiệp, gia súc, gia cầm. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 2071/SKHĐT-TTXTĐTKN ngày 18 tháng 8 năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” và hoạt động trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện theo kế hoạch kế hoạch thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện trong tình hình dịch Covid-19 và phương án tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản đã triển khai. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, thương lái, đầu mối thu mua nông sản đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo tỉnh, huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu hoạch, vận chuyển lúa về kho để tránh thất thoát. Tiếp tục thống kê hàng ngày sản lượng nông, thủy sản đã tiêu thụ; đang tồn đọng cần hỗ trợ tiêu thụ, giá bán dự kiến, địa chỉ liên hệ hoặc cán bộ đầu mối liên hệ gửi các ngành tỉnh hỗ trợ tiêu thụ. Tiếp tục phối hợp tuyên truyền để người dân có phương án tổ chức sản xuất hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có giải pháp kéo dài thời gian thu hoạch, xuất chuồng đối với những sản phẩm chưa cần tiêu thụ trong thời gian thực hiện giãn cách.”

Song song đó, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của huyện phụ trách xã tiếp tục tăng cường theo dõi, hỗ trợ tình hình thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản trên địa bàn mình phụ trách, hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, đồng thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về Thường trực Ban Chỉ đạo huyện để có giải pháp tháo gỡ.

“Về lâu dài, căn cứ vào kế hoạch 3632/KH-UBND ngày 30/10/2020 của Ủy ban nhân dân huyện về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tổ chức lại sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn, hàng năm huyện tiếp tục cụ thể hóa kế hoạch từng năm, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, thị trấn để có giải pháp thực hiện, trong đó bổ sung các giải pháp để tổ chức sản xuất, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp trong điều kiện bình thường mới – Bà Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết thêm./.

Kim Phụng - CTV Giồng Trôm