“Những năm gần đây việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp đã không còn xa lạ với người nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Phú, tuy nhiên mô hình nuôi ao đất đã không còn mang lại hiệu quả cao như trước, người nuôi chuyển dần qua giải pháp mới, đó là mô hình nuôi công nghệ cao, giải pháp mà tôi mạnh dạn đầu tư phát triển, nhằm tìm ra hướng phát triển mới và bà con nuôi tôm xã Thạnh Phong. Chính vì thế tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ hiện đại đủ điều kiện tuyệt đối cho việc phát triển chuyên canh con tôm thẻ chân trắng, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương” - Đó là chia sẻ của nông dân Đặng Văn Bảy ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú khi trao đổi với chúng tôi về quyết định khởi nghiệp từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Anh Đặng Văn Bảy được tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc
lần thứ VI, 2017-2022 (người mặc áo trắng phía bên trái bạn đọc nhìn vào)
Với nhiều thăng trầm trong việc theo đuổi ước mơ làm giàu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng chuyên canh, với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình nhưng mãi đến năm 2015 anh Bảy mới bắt đầu thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Anh Bảy chia sẻ: Khi mới bắt đầu theo đuổi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng chuyên canh, khó khăn nhất là nguồn vốn, diện tích đất, kỹ thuật nuôi hạn chế, vì vậy ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng tôm thương phẩm. Với số vốn ban đầu chưa tới 200 triệu đồng, 15.000 m2 đất anh đã đầu tư vào 02 ao nuôi, lợi nhuận hàng năm từ 2 đến 3 tỷ đồng, tuy nhiên cũng có những năm lại thua lỗ vài tỷ đồng do còn hạn chế về khoa học, kỹ thuật.
Anh Đặng Văn Bảy tham gia phát biểu ý kiến tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII năm 2022
với chủ đề "Người Nông dân chuyên nghiệp"
Với quyết tâm làm giàu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Bảy đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tham quan những mô hình nuôi tôm chuyên canh công nghệ cao ở Bạc Liêu, Cà Mau,… với số vốn tích lũy được anh Bảy đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao (mô hình nuôi tôm trong nhà kín; mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn theo hệ thống tuần hoàn khép kín). Anh Bảy chia sẻ, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải có nhiều vốn, nắm chắc kỹ thuật nuôi, đội ngũ nhân công tin cậy, phải kết nối được đầu ra tôm thương phẩm, có được các điều kiện đó thì người nuôi chắc chắn sẽ có lợi nhuận cao.
Với 15 ha, 200 triệu đồng từ khi khởi nghiệp, đến nay anh Bảy đã mở rộng diện tích nuôi lên đến 50 ha, trong đó có 25 ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín, sản lượng tôm thương phẩm đạt bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha, trọng lượng 15 con/kg với giá bán từ 200.000 đến 250.000đ/kg, tổng sản lượng đạt 400 tấn/năm, tổng doanh thu mỗi năm từ 80 đến 100 tỷ đồng, lợi nhuận trên 25 tỷ đồng/năm. Hiện tại anh Bảy đã giải quyết việc làm cho trên 60 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm.
Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Bảy cũng là tấm gương điển hình trong các phong trào nhân đạo từ thiện ở địa phương. Hàng năm gia đình anh đã đóng góp trên 100 triệu đồng và hàng trăm phần quà cho người dân nghèo trên địa bàn. Anh còn thường xuyên tư vấn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cho những nông dân có chung ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng chuyên canh.
Với sự nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền anh Bảy được bầu chọn và đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương, đặc biệt năm 2021 anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”, trong tháng 9 năm 2022 anh Đặng Văn Bảy vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017 -2022.
“Dám nghĩ, dám làm” từ người nông dân đam mê nghề nuôi tôm, đến nay anh Bảy đã vươn lên trở thành “điểm sáng” trong phong trào phát triển kinh tế, làm giàu thông qua mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương.